Lồng ghép các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

19:25' - 17/04/2018
BNEWS Ngày 17/4, Bộ Xây dựng làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh về các giải pháp phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.
Bàn giải pháp phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Ảnh: Cao Lan Hương
Ngày 17/4, Bộ Xây dựng làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh để bàn các giải pháp phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định 33, Nhà nước thực hiện hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội với số vốn cho vay tối đa là 25 triệu đồng/hộ, lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay 15 năm; trong đó, thời gian ân hạn là 5 năm. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trên, các địa phương đã lồng ghép các chương trình hỗ trợ khác như Quỹ vì người nghèo, tiền hỗ trợ từ địa phương, vốn huy động của gia đình…
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, theo Đề án phê duyệt ban đầu, cả nước có khoảng 311.000 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 33. Tuy nhiên, qua điều chỉnh, bổ sung Đề án thì số hộ đăng ký vay vốn giảm còn 268.000 hộ với tổng nguồn vốn cần hỗ trợ cho vay khoảng 6.700 tỷ đồng.
Trong số này, 50% vốn vay do Ngân hàng Nhà nước bố trí cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 50% còn lại do Ngân hàng chính sách xã hội tự huy động. Tính đến nay, cả nước đã thực hiện cho khoảng 61.000 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở với tổng số vốn đã cho vay khoảng 1.515 tỷ đồng.
Chính sách này đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo nông thôn có nhà ở an toàn, ổn định, giúp họ yên tâm lao động sản xuất; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới - ông Khởi nhận xét.
Tại một số địa phương, ngoài vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ nghèo còn được hỗ trợ từ ngân sách địa phương hoặc từ Quỹ vì người nghèo và đã xây dựng nhà như: tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ từ 40 – 50 triệu đồng/hộ, tỉnh Bình Thuận hỗ trợ thêm 15 triệu đồng/hộ,…
Tuy nhiên, một số các địa phương thực hiện việc hỗ trợ chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra; thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ trong việc lồng ghép các chính sách hỗ trợ. Nguồn vốn vay từ Quỹ vì người nghèo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng không được lồng ghép trong Chương trình này mà được thực hiện hỗ trợ độc lập. Công tác tuyên truyền chính sách chưa cụ thể, dẫn đến việc các đối tượng thuộc diện hỗ trợ còn e ngại khi vay vốn.
Đại diện Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cho biết đã xây dựng rất nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo như “Cuộc vận động hành động vì người nghèo”, “Xây dựng nhà đại đoàn kết”,… Nếu sử dụng nguồn lực tổng hợp từ Nghị quyết liên tịch số 88 về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Quyết định 33 và Quyết định 1198/QĐ-MTTW-ĐCT về Quỹ vì người nghèo thì sẽ tạo nguồn lực mạnh khi thực hiện hỗ trợ người nghèo về nhà ở; từ đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, thực hiện Quyết định 33, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội để ban hành và triển khai thực hiện Thông tư 08/2015/TT-BXD ngày 16/2/2016 hướng dẫn thực hiện Quyết định 33.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Bộ ngành địa phương, các tổ chức trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhằm phối kết hợp chặt chẽ, vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ người nghèo về nhà ở; đồng thời thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện hỗ trợ để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra
Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu cho phép Quỹ vì người nghèo do Mặt trận Tổ quốc các cấp đang quản lý được lồng ghép vào Chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 33. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cần tham gia bằng các hình thức hỗ trợ như nhân công, vật liệu để nâng cao chất lượng nhà ở cho các hộ nghèo.
Thực hiện chủ trương lồng ghép các chương trình hỗ trợ nhằm tận dụng tối đa, phát huy hiệu quả tất cả các nguồn lực; tạo lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Xây dựng và các tổ chức liên quan - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục