Lồng ghép trách nhiệm kiểm lâm với chủ rừng

11:37' - 20/08/2016
BNEWS Việc quản lý và bảo vệ rừng ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng đang vấp phải nhiều vướng mắc, tồn tại cần được tháo gỡ.
Lâm tặc tàn phá nhiều cánh rừng ở Kon Tum. Ảnh minh họa: Đặng Tuấn- TTXVN

Thời gian qua, tình trạng khai thác rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn ra đáng báo động. “Lâm tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng khiến dư luận hoài nghi về công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng chức năng. Có thể thấy, trong việc quản lý và bảo vệ rừng ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng đang vấp phải nhiều vướng mắc, tồn tại cần được tháo gỡ.

* Quản lý manh mún 

Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 600 hecta rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên và giao về cho các Ban quản lý, Công ty lâm nghiệp, chính quyền xã quản lý và bảo vệ. Tuy nhiên, chính vì điều này dẫn đến tình trạng rừng của chủ nào thì chủ đó tự giữ, việc phối kết hợp giữa các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng chưa chặt chẽ khiến công tác bảo vệ rừng của từng đơn vị chủ rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Được giao quản lý và bảo vệ rừng hơn 29 ngàn hecta, nhưng lực lượng quản lý mỏng khiến công tác quản lý bảo vệ rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum) gặp nhiều khó khăn. 

Ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: Hiện nay, một số diện tích rừng của đơn vị quản lý chủ yếu là nhờ người dân, các cộng đồng làng quản lý thông qua nguồn quỹ dịch vụ môi trường rừng, còn lại là do đơn vị tự phân bổ cán bộ. Những diện tích giao cho cộng đồng làng bảo vệ thì không nói nhưng những diện tích rừng chưa được giao còn gặp rất nhiều khó khăn.

Quá trình truy quét mỏng do thiếu về con người và phương tiện, cộng thêm sự phối hợp giữa các lực lượng cũng chưa cao, hầu hết đơn vị tự kế hoạch để bảo vệ. Bên cạnh đó, quyền hạn và chức năng bắt giữ, lập biên bản xử lí các đối tượng phá rừng không có, khi phát hiện ra sự việc đơn vị phải bảo cáo với huyện, kiểm lâm, công an cùng phối hợp vào bắt giữ. Nhiều trường hợp khi báo cáo xong thì “lâm tặc” đã di tản khỏi hiện trường.

Trở lại những vụ phá rừng xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum cho thấy sự phối hợp tuần tra, truy quét “lâm tặc” phá rừng giữa các lực lượng chức năng với các đơn vị chủ rừng còn yếu. Đơn cử như vụ khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 502 thuộc Lâm trường Măng La (Kon Plông), hiện trường khai thác với hàng chục cây gỗ lớn bị cưa hạ nằm ngổn ngang cho thấy tính chất, mực độ khai thác của “lâm tặc” là quy mô, tuy nhiên không một lực lượng nào phát hiện ra. Đặc biệt, hiện trường khai thác là khu rừng giáp ranh với huyện Kbang (Gia Lai), nơi đây chỉ cách chốt của lực lượng kiểm lâm của Kbang hơn 500m. Đến khi “lâm tặc” tiến hành vận chuyển gỗ lên đường lớn để di tản thì mới bị lực lượng bảo vệ rừng của Lâm trường Măng La phát hiện và tổ chức truy bắt.

Dù hàng quý, lực lượng chức năng hai huyện vẫn thực hiện các đợt họp giao ban và ký kết phối hợp lực lượng để truy bắt, truy quét “lâm tặc” phá rừng. Ngang nhiên và công khai vận chuyển gỗ qua cửa rừng, trạm kiểm soát lâm sản diễn ra trong thời gian dài tại huyện Đăk Glei nhưng vẫn không bị ngăn chặn.

Điều đáng nói tại huyện này có rất nhiều lực lượng làm công tác quản lý và bảo vệ rừng như chủ rừng, kiểm lâm, kiểm lâm cơ động, chính quyền xã… tuy nhiên, chỉ đến khi báo chí phát hiện và phản ánh thì tình trạng trên mới được chấm dứt. Qua sự việc trên có thể thấy tình trạng “rừng nhà nào thì nhà nấy tự bảo vệ” đang diễn ra phổ biến ở tỉnh Kon Tum. Các lực lượng khác phối hợp với các chủ rừng cùng tham gia truy quét, bảo vệ rừng còn mỏng khiến tình trạng phá rừng vẫn cứ tiếp diễn.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum khẳng định: Bây giờ rừng giao cho đơn vị nào thì chủ rừng chịu trách nhiệm, lực lượng kiểm lâm địa bàn chỉ có 1 người nên không thể thường xuyên phối hợp, cùng tuần tra, truy quét được với các đơn vị chủ rừng. Khi nào xảy ra điểm nóng, hay đơn vị chủ rừng có công văn yêu cầu lực lượng phối hợp thì mới cử lực lượng xuống cùng phối hợp.

*Tạo sức mạnh tập thể

Để quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả, nhà nước đã thực hiện giao rừng cho các công ty lâm nghiệp chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, được giao rừng nhưng không giao quyền xử phạt, bắt giữ hay sử dụng cộng cụ hỗ trợ trong quá trình đấu tranh, truy bắt “lâm tặc”, nên tính hiệu quả trong răn đe, phòng trừ và đấu tranh với các đối tượng phá rừng không có. Nhiều công ty kiến nghị cần gắn trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, nhất là kiểm lâm địa bàn với chủ rừng. Cần thiết thì bố trí lực lượng kiểm lâm “cùng ăn, cùng ngủ” với các đơn vị chủ rừng để cùng tuần tra, kiểm soát, truy quét các đối tượng phá rừng.

Bảo vệ rừng không chỉ là nhiệm vụ của riêng kiểm lâm. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: Được giao quản lý và bảo vệ diện tích rừng lớn nhưng quyền hạn và chức năng như lập biên bản xử phạt, bắt người vi phạm đơn vị không có thẩm quyền.

Hai nữa trong quá trình truy quét thì không có công cụ hỗ trợ nên các đối tượng phá rừng sẵn sàng tấn công lại lực lượng bảo vệ. Việc bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng việc phối hợp với các lực lượng có thẩm quyền cao để truy quét, ngăn chặn ngay từ đầu các vụ vi phạm lâm luật thì không phải lúc nào cũng thực hiện được, các đơn vị không phải lúc nào cũng tham gia được.

“Để công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả thì cần phải có sự tham gia của các lực lượng chức năng có thẩm quyền cao như bắt giữ, lập biên bản, có công cụ hỗ trợ để ứng phó với các tính huống xấu nhất có thể xảy ra trong quá trình tuần tra, truy quét. Lực lượng chức năng, nhất là kiểm lâm cần bố trí người cùng ăn, ngủ với các đơn vị chủ rừng. Chỉ cần một người thôi, khi đó công tác truy quét, đấu tranh với các đối tượng phá rừng sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều” - ông Chung nhấn mạnh.

Việc quản lý và bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung không chỉ của lực lượng chức năng và là của toàn dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng ở Kon Tum đang gặp phải tỉnh trạng “mạnh ai nấy làm” khiến rừng đang ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng. Để những diện tích rừng còn lại phát triển bền vững, bên cạnh thay đổi các cơ chế, trao quyền hạn xử lý cho các công ty lâm nghiệp… thì việc gắn trách nhiệm của các lực lượng chuyên trách làm công tác bảo vệ rừng với chủ rừng là điều rất cần thiết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục