Hiệp định EVFTA sau 2 năm thực thi
Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực ASEAN sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Đây là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU; trong đó, cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: Việt Nam coi trọng vai trò của EU - một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 song nhờ triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 31,65 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,52% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, góp phần duy trì vị trí EU là đối tác kinh tế - phát triển hàng đầu của Việt Nam.
Cùng nhìn lại 2 năm thực thi hiệp định và những bước đi trong thời gian tới.
Sức bật cho tăng trưởng
Có thể khẳng định Hiệp định EVFTA đã tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Mặc dù 2 năm qua dịch COVID-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng chính cam kết của Hiệp định EVFTA đã góp phần bù đắp sự suy giảm và đẩy nhanh phục hồi kinh tế, nhất là xuất khẩu.
Điều này giúp doanh nghiệp hoàn toàn có thể lạc quan vào một sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam – EU trước bối cảnh bình thường mới.
*Chất xúc tác cho xuất khẩu
Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long, tỉnh Bình Dương cho biết, Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là từ khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi.Với 95% sản phẩm phục vụ xuất khẩu; trong đó thị trường chính là EU công ty luôn đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư đổi mới công nghệ nhằm bảo đảm chất lượng, giảm giá thành để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Vì vậy, đến thời điểm này đơn hàng của công ty đã được ký tới tháng 10/2022. Đây là tín hiệu rất tích cực và kỳ vọng doanh thu xuất khẩu sẽ tăng trưởng khoảng 5 - 7% so với năm 2021. Trong khi đó, năm 2021, công ty đạt mức tăng trưởng trên 26% so với năm trước đó.
Hiện tại, sản xuất của ngành gốm sứ nói chung đã và đang có bước phục hồi và tăng trưởng khá, nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng đó, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng sản xuất sang châu Âu đến hết quý III, thậm chí sang cả quý IV/2022.Đối với ngành lúa gạo cũng có nhiều tín hiệu khả quan.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho hay: Qua 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp đã có bước phát triển mới trong xuất khẩu. Nếu như trước đây Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chỉ tập trung vào xuất khẩu gạo thì hiện tại đã mở rộng thêm thị trường và đa dạng sản phẩm với dòng bún, phở khô.
Điều đáng mừng là các sản phẩm của công ty đều được người tiêu dùng châu Âu đón nhận, tạo động lực để công ty liên tục đổi mới hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng xanh, sạch. Hơn nữa, do nhu cầu nhập khẩu lớn nên công ty đã mở rộng thêm quy mô sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, nhờ lợi thế từ Hiệp định EVFTA, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 31,65 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,52% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 23,77 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 12,8% xuất khẩu cả nước.
Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 2,7 tỷ USD, tăng 24%; hàng dệt may đạt 12,7 tỷ USD, tăng 24%; hàng giày dép đạt 2,91 tỷ USD, tăng 19%; hàng thuỷ sản đạt 686 triệu USD, tăng 41,2%...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu từ EU đạt 7,88 tỷ USD, giảm tới 4,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 4,3% nhập khẩu cả nước. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu chính từ EU là thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị và phụ tùng khác.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của EU trong quá trình triển khai thực thi Hiệp định EVFTA thời gian qua và những kết quả tích cực trong thúc đẩy trao đổi thương mại song phương, bất chấp bối cảnh kinh tế, giao thương đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2021 và nửa đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều Việt Nam – EU đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch.
Tuy nhiên, sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra những khó khăn xuất hiện như việc thuế giảm không bù nổi cho cước phí tàu biển tăng khiến giá thành sản phẩm vẫn chưa thể cạnh tranh.Không chỉ chi phí cho logistics bị đội giá mà ngay cả phí nhân công cũng tăng cao dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa thể thay đổi tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu từ thị trường EU.
Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng xanh được dự báo sẽ bùng nổ cũng là thách thức đặt ra với doanh nghiệp trong việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Bởi, thực tế cho thấy, việc đáp ứng "tiêu chuẩn xanh'' đã trở thành xu thế nên bất kỳ ngành hàng, doanh nghiệp nào cũng phải đáp ứng nếu không muốn nằm ngoài cuộc đua.
*Trái ngọt ở cuối con đường
Chia sẻ từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, trên thị trường thế giới, nhất là thị trường EU, đa số doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những “tiêu chuẩn xanh” trong sản xuất.
Vì vậy, để đón đầu cơ hội, một số doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh chuyển hướng sang phát triển xanh. Không cạnh tranh bằng chi phí lao động giá rẻ mà bằng các tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường.
Công ty Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) sau một hành trình dài làm bạn với hàng nghìn hộ nông dân nhằm giúp họ thay đổi từ nhận thức đến phổ biến về tiêu chuẩn hữu cơ cho việc trồng quế, hồi, giờ đây công ty là nhà cung cấp nguyên liệu cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới.
Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Vinasamex, con đường sản xuất xanh gắn với bảo vệ môi trường dù khó khăn nhưng nếu kiên trì thành quả thu về của doanh nghiệp là không nhỏ. Đây cũng là xu hướng mà nếu doanh nghiệp nào đi trước, đón đầu sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội.
Công bố mới đây của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho thấy: Có tới hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng việc thực thi Hiệp định EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam.Tuy nhiên, phía doanh nghiệp Đức mong muốn Việt Nam cần đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thành thạo kỹ năng vận hành sản xuất. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn đầu tư từ Đức và các quốc gia khác.
Để tận dụng lợi ích từ Hiệp định EVFTA, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng doanh nghiệp phải có sự tiếp cận và hiểu rõ được lợi ích từ hiệp định này. Đơn cử, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nào phải tìm hiểu rõ yêu cầu kỹ thuật của thị trường nhập khẩu, sản phẩm có kiểm tra về an toàn thực phẩm và kiểm định chất lượng hay không để sẵn sàng đáp ứng.
Ông Trần Thanh Hải cũng lưu ý, hiện nay một số thị trường đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu. Do vậy, doanh nghiệp phải lường trước các tình huống bởi nếu xuất khẩu sang thị trường tăng trưởng quá nóng sẽ đứng trước nguy cơ áp dụng phòng vệ thương mại.
Trong trường hợp đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các chứng từ, hồ sơ để chứng minh không phải là sản phẩm được trợ cấp, bán phá giá và sẽ được hưởng những ưu đãi mà hiệp định đem lại.
Nhằm tận dụng các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục đổi mới phương thức theo hướng tăng cường hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục tiếp tục đa dạng hóa hoạt động để phù hợp với các nhóm đối tượng doanh nghiệp khác nhau; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai theo chuỗi giá trị từ sản phẩm, xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu tới phát triển thị trường xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Với nền tảng hợp tác hiện có, cùng lợi thế lớn từ Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tạo thuận lợi cho hàng hóa tiếp cận thị trường của nhau nhằm hạn chế tối đa các rào cản kỹ thuật, hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng bền vững.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị phía EU tiếp tục ủng hộ cũng như dành những ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chuyển giao công nghệ để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác về nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống chính sách và mô hình sản xuất.
Điều này nhằm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của EU cũng như tạo điều kiện cho quá trình sản xuất, kiểm tra, kiểm định và trao đổi thương mại giữa hai bên diễn ra thuận lợi. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khuyến khích các dự án đầu tư của EU trong các lĩnh vực triển vọng như chế biến nông sản thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao hướng đến kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ cùng hệ thống Thương vụ Việt Nam tại EU khai thác tối đa ưu thế từ Hiệp định EVFTA, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực, đổi mới phương thức sản xuất theo hướng bền vững nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA trong năm nay và những năm tiếp theo.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam–Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy phụ trách Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis, đây là một trong những hiệp định thế hệ mới thành công nhất của EU và được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình của các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong tương lai.
* Cánh cửa vào thị trường Việt Nam
Từ vài năm nay, nước dừa tươi nguyên chất đóng hộp Cocoxim của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng ở Bỉ. Đơn vị nhập khẩu độc quyền sản phẩm này từ Việt Nam là Công ty South Export Alliance.
Kể từ khi EVFTA được thực thi, hoạt động nhập khẩu của công ty khởi nghiệp này trở nên dễ dàng hơn. Anh François Colonval, Giám đốc công ty cho biết, anh gặp nhiều thuận lợi khi tìm kiếm đối tác ở Việt Nam để nhập hàng với những ưu đãi từ EVFTA.
Hiệp định cũng tạo điều kiện để anh đa dạng hóa sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm hàng hóa, nông sản như bún khô, phở khô, miến, bánh đa nem và đặc biệt là bia Hà Nội và bia Sài Gòn để cung cấp cho các nhà hàng Việt Nam và châu Á trên khắp nước Bỉ cũng như ở Hà Lan, Pháp, Cộng hòa Czech.
Không chỉ riêng South Export Alliance được hưởng lợi từ EVFTA mà nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác của Bỉ cũng gặp thuận lợi khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Ông Marc Stordiau, Chủ tịch Tập đoàn Rent-a-port của Bỉ cho biết, hiện nay một số nhà nhập khẩu của Bỉ đang tiến hành thành lập mạng lưới nhằm giúp đỡ Việt Nam xuất khẩu tối đa trái cây từ Đồng bằng sông Cửu Long sang châu Âu với thời gian bảo quản lên đến hai tháng, không dùng thuốc hóa học nhưng vẫn đảm bảo giữ được trái cây tươi. Một hệ thống kho lạnh sẽ được xây dựng tại cảng Cái Mép để bảo quản trái cây sau đó được chuyên chở bằng đường biển sang châu Âu.
Ông Kim Demeyer, Tham tán khoa học và công nghệ thuộc Cục Xúc tiến thương mại và Đầu tư vùng Flanders tại Singapore (Xin-ga-po) cho biết, EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu tiếp cận thị trường Việt Nam và được tham gia vào quá trình đấu thầu thị trường công của Việt Nam.
Theo bà Mariella Cantagalli, chuyên gia cao cấp phụ trách quan hệ thương mại với Việt Nam của Tổng vụ Thương mại Ủy ban châu Âu, từ khi triển khai, EVFTA đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các quốc gia EU nói chung và Bỉ nói riêng, đặc biệt là thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp.
* Các cơ hội thương mại mới
Việt Nam đã trở thành một đối tác quan trọng của EU ở Đông Nam Á sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào năm 2020.
Vừa trở về từ chuyến thăm Việt Nam mới đây, Cao ủy phụ trách nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski bày tỏ vui mừng khi chứng kiến những kết quả đạt được trong tiến độ của hiệp định. Từ năm 2020 đến năm 2021, thương mại giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực thực phẩm đã vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19 và đạt tăng trưởng 9%, tương đương 3,5 tỷ euro (3,57 tỷ USD).
Tuy nhiên, những con số thực tế còn cao hơn nếu tính cả các sản phẩm thủy sản và lâm sản, hai mặt hàng thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam. Cũng do lợi ích của EVFTA, giờ đây người tiêu dùng châu Âu có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn với các sản phẩm trà và cà phê Việt Nam, cùng hàng loạt các mặt hàng đa dạng khác như hạt, gia vị và hoa quả nhiệt đới. Một vài trong số những sản phẩm này được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của EVFTA, như hồng không hạt Bảo Lâm và vải thiều Lục Ngạn.
Các mặt hàng chính yếu của Việt Nam như gạo, nấm, các sản phẩm đường cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường EU thông qua hạn ngạch nhập khẩu với mức thuế ưu đãi theo quy định của EVFTA, giúp các mặt hàng này được nhập vào EU với thuế suất 0%.
Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận nhiều mặt hàng thực phẩm của châu Âu có tính an toàn và chất lượng cao.
Theo ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU, sau hai năm triển khai EVFTA, nông sản và hàng hóa của Việt Nam đang ngày càng được mở rộng ở thị trường châu Âu do lợi thế của EVFTA mà các đối thủ cạnh tranh khác chưa có.
Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất sang EU được hưởng thuế suất 0%. Đây cũng là lợi thế mà Việt Nam có được so với các đối thủ cạnh tranh khác như các nước ASEAN, châu Mỹ, Nam Á…
Trong nửa đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng hàng nông sản sang EU tăng 32%; trong đó một số mặt hàng chứng kiến mức tăng rất cao so với cùng kỳ như cà phê (+87%), gạo (+17%), thủy sản (+4,77%), hạt tiêu (+71%).
Bên cạnh đó, EVFTA đang tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam. Hiệp định giúp mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng nông-lâm-thủy sản chiến lược và có lợi thế nhờ cắt giảm thuế quan, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và tạo cơ hội thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
EU là một trong bốn thị trường xuất khẩu nông-lâm-thủy sản lớn nhất của Việt Nam sau Mỹ, Trung Quốc và ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo khảo sát của Thương vụ Việt Nam tại Bỉ với các Hiệp hội doanh nghiệp tại châu Âu, tất cả các hiệp hội đều nhất trí đánh giá cao vai trò của Hiệp định EVFTA đối với thương mại trong những lĩnh vực mà các hiệp hội này phụ trách trong hai năm qua, mặc dù thời gian đầu hai bên còn gặp một số vướng mắc khi triển khai.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU nhận định: Trong thời gian tới Hiệp định EVFTA sẽ ngày càng phát huy vai trò thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU, vì theo Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovskis, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, EU sẽ đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại song phương; trong đó có FTA với Việt Nam.
Đồng thời, hai năm vừa qua, do Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) vẫn còn hiệu lực nên trong một số ngành, các doanh nghiệp đang quen với việc khai thác GSP sẽ vẫn tiếp tục sử dụng GSP.
Tuy nhiên từ năm 2023, ưu thế về thuế của các FTA sẽ phát huy vai trò vượt trội hơn GSP và GSP sẽ hết hiệu lực với Việt Nam, nên các doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa FTA.
Thông tin về việc Liên minh châu Âu (EU) siết chặt những quy định an toàn sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng dệt may Việt Nam, đại diện các ngành hàng dệt may, da giày cho hay, đây là vấn đề không mới. Tuy nhiên, để vào được thị trường EU và những thị trường khó tính khác, bản thân doanh nghiệp phải tự nâng cao công nghệ, đáp ứng truy xuất nguyên liệu và đảm bảo an toàn môi trường.
*Tuân thủ "luật chơi"
EU vốn là thị trường truyền thống và trọng điểm của ngành dệt may, da giày. Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), doanh nghiệp đã tận dụng tốt ưu đãi để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách (Lefaso), hàng hóa, đặc biệt là giày thể thao xuất khẩu vào thị trường này tăng trưởng đáng kể. Trong 5 tháng của năm 2022, xuất khẩu vào thị trường này đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cũng cho biết, để vào được thị trường EU, chất lượng sản phẩm đòi hỏi tính an toàn cao hơn các sản phẩm đi thị trường khác, do vậy, sự tuân thủ của doanh nghiệp cũng phải nâng lên.
Tiếp theo là các quy định về thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt là chứng minh quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp cũng phải tham gia đào tạo, thực thi. Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững, khi các sản phẩm xuất khẩu vào EU đòi hỏi các nhà máy đạt được các điều kiện về môi trường, an toàn lao động. Đạt được các tiêu chí đó khách hàng từ EU mới có thể nhập khẩu.
"Để đáp ứng các điều kiện đó thì doanh nghiệp cũng phải cải tiến, đổi mới chất lượng nhân lực, cũng như hệ thống cơ sở sản xuất, đặc biệt là sử dụng năng lượng sạch, công nghệ xanh mới đáp ứng được tiêu chuẩn của EU. Tiêu chí xuất xứ giày dép trong EVFTA khá giống với tiêu chí xuất xứ trong quy tắc xuất xứ mới của EU dành cho da giày Việt Nam nên doanh nghiệp đã quen và đáp ứng tốt", bà Thanh Xuân nói.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Công ty May Hưng Yên, thị trường châu Âu đã đưa ra các tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu và điều kiện sản xuất. Những yêu cầu này là rất nghiêm ngặt. Các sản phẩm may mặc của Việt Nam đều phải đạt yêu cầu về thiết kế sinh thái để tăng độ bền, khả năng tái sử dụng, sửa chữa, tái chế. Do vậy, doanh nghiệp phải tuân thủ, từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất.
Để đảm bảo xuất khẩu sang thị trường EU, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt. Song theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị và có thể thích ứng được các quy định mới từ phía thị trường EU. Bởi với các doanh nghiệp lớn đã xuất khẩu sang EU, tuân thủ quy tắc trong EVFTA thì đã làm quen với những điều này. Chỉ những doanh nghiệp nhỏ, còn yếu về công nghệ và năng lực sản xuất đang gặp khó khăn.
*Vượt qua thách thức
Mặc dù doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị khá tốt, đáp ứng tiêu chuẩn và tận dụng EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, ngay từ khi EVFTA thực thi, ngành da giày tận dụng khá tốt hiệp định này. Trước đây kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đạt từ 25-28%, thì nay nâng lên 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. "Chúng tôi kỳ vọng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ mở rộng sản xuất để hướng vào thị trường EU, nhưng sẽ là rất khó", bà Xuân nói.
Thông tin từ ngành da giày cho hay, hiện sản xuất nguyên phụ liệu ngành này đã có sự mở rộng để đáp ứng xuất xứ và tạo giá trị gia tăng tốt hơn. Trước đây tỷ lệ nội địa hóa chỉ 45%, đến nay đã đạt hơn 55%, riêng giày vải, doanh nghiệp trong nước đã chủ động 100%, giày thể thao chủ động từ 70-80%.
Với doanh nghiệp đã xuất khẩu từ trước thì không gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng năng lực sản xuất và xuất khẩu, nhưng vấn đề là cần tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Khó khăn lớn nhất là yêu cầu về chất lượng sản quan đến tính an toàn của sản phẩm, doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về an toàn khi xuất vào EU và điều này ảnh hưởng nhiều đến đầu tư công nghệ.
Thứ hai nữa là đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững liên quan đến môi trường, lao động. Doanh nghiệp cũng phải nâng cao hơn tính tuân thủ, đáp ứng quyền lợi nghĩa vụ với người lao động, mặt khác về môi trường, phải hướng tới việc sử dụng năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ xanh, tiến bộ để không gây ảnh hưởng môi trường, bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Cơ hội đơn hàng từ EU cho ngành da giày, dệt may vẫn rất tốt. Tuy nhiên, để xuất khẩu, việc đáp ứng những tiêu chuẩn về lao động, môi trường là rất cần thiết.
Ông Vũ Đức Giang cho hay, để thâm nhập thị trường EU, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều, cả về mặt trách nhiệm xã hội và thân thiện với môi trường. Giải pháp quan trọng là đầu tư vào công nghệ bởi công nghệ cao sẽ giải quyết thâm hụt lao động và cả vấn đề môi trường.
Về tăng trưởng xanh, Chủ tịch VITAS cho rằng, tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch ở một số nơi chiếm đến 31-32% trong tổng lượng điện tiêu thụ. Trong khi đó, số doanh nghiệp dệt may sử dụng năng lượng sạch đã lên đến 60-65%, hoặc là tự mua điện hoặc là tự đầu tư lắp đặt các dự án năng lượng mặt trời. Ông Giang cho rằng trong 5 đến 7 năm tới, 100% công ty dệt may hoàn toàn có thể đáp ứng mục tiêu năng lượng sạch.
Các chuyên gia cho rằng, trong dài hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Do vậy, bản thân doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới hoạt động sản xuất theo hướng dịch chuyển từ gia công cắt may lên FOB (mua nguyên liệu- sản xuất- bán thành phẩm) và ODM (thiết kế- sản xuất- bán thành phẩm); đổi mới công nghệ, cắt giảm chi phí sản xuất, cải tiến mẫu mã, đa dạng thị trường; đào tạo đội ngũ nhân lực chuyên môn giỏi, sáng tạo có khả năng thích ứng với chuyển giao công nghệ.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có giải pháp khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu. EU đang thắt chặt các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, nên việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải chuyên ngành chung hiện đại là định hướng mà các địa phương cần đẩy mạnh.
Đưa nông sản Việt hướng đến trách nhiệm, minh bạch
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam, nhưng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của EU. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã và đang tạo cơ hội để cả hai bên có thể đa dạng hóa thị trường, nâng cao thị hiếu của người tiêu dùng.
Nông sản Việt đang từng bước thâm nhập sâu vào thị trường EU, góp phần tăng giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là hướng tới xây dựng thương hiệu theo định hướng trách nhiệm, minh bạch, bền vững.
*Tăng trưởng mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thương mại nông lâm thủy sản hai chiều Việt Nam - EU liên tục tăng trưởng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ năm 2020. Đặc biệt từ khi có Hiệp định EVFTA, năm 2021 con số này đạt 5,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu đạt 2,145 tỷ USD, với mức tăng trưởng 36,6%.
Nhiều sản phẩm có sự tăng trưởng với 2 con số như cà phê, thủy sản, rau quả, hạt tiêu… đặc biệt là gạo đang có mức tăng trưởng với 3 con số. Mặc dù vậy, tỷ trọng một số ngành hàng của Việt Nam trong việc khai thác thị trường này vẫn thấp. Với mức cam kết thuế từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tận dụng cơ hội để tăng cường thị phần, nâng cao nhận diện tại khu vực này.
Hiệp định đã mở ra cơ hội trông thấy đối với sản phẩm gạo Việt. Là doanh nghiệp có sản lượng gạo lớn nhất xuất khẩu sang EU tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, bà Vũ Thị Huệ, Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh cho biết, từ khi có Hiệp định, cơ hội mở ra rất nhiều với gạo Việt Nam sang khu vực này.
Năm đầu tiên của Hiệp định, Việt Nam đã không sử dụng hết hạn ngạch EU cấp nhưng năm nay ngay từ quý I, các doanh nghiệp đã sử dụng hết hạn ngạch của quý. Doanh nghiệp phải chờ quý mới để có hạn ngạch tiếp theo.
Cùng nhờ Hiệp định mà các doanh nghiệp đã tự tin mang sản phẩm với thương hiệu gạo Việt chinh phục thị trường EU. Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, trước đây doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo với nhãn mác của nhà nhập khẩu, nay doanh nghiệp đã xuất khẩu hoàn toàn với thương hiệu gạo của Trung An và đã được người tiêu dùng châu Âu đón nhận.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn xuất khẩu thêm sản phẩm sau gạo như bún, phở khô… Nhu cầu các sản phẩm này của EU rất lớn, doanh nghiệp phải mở rộng thêm để đáp ứng.
Với lợi thế được đánh giá nguồn cung cấp thủy sản lớn cho thế giới cũng như EU, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, Hiệp định đã tạo điều kiện rất lớn cho thủy sản vào EU. Cùng với Hiệp định và sự hồi phục sau dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản vào thị trường này đạt kết quả rất khích lệ.
“Từ những ưu đãi về thuế quan đã khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh về chất lượng. Hiệp định giúp các doanh nghiệp đi vào chiều sâu hơn từ sản lượng đến giá trị gia tăng của sản phẩm. Doanh nghiệp trong tâm thế coi Hiệp định là chìa khóa để vào thị trường EU tốt hơn. Không chỉ là sẽ có khách hàng, có sản lượng mà là sự chuẩn bị, đầu tư để tạo niềm tin với nhà nhập khẩu”, ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.
Hiệp định EVFTA đã giúp tạo niềm tin giữa doanh nghiệp hai bên, xác lập các vấn đề kinh doanh lâu dài, ổn định. Các nhà nhập khẩu cũng đánh giá và chọn lựa Việt Nam là nguồn cung cấp ổn định hơn so với trước đây. Đây là yếu tố giúp cho thủy sản tăng trưởng và kỳ vọng tăng trưởng sẽ ổn định.
Doanh nghiệp không chỉ lo khai thác tối đa thuế quan mà quên đi chuyện đầu tư cho lâu dài. Họ đã cùng với nhà nhập khẩu mở rộng sản phẩm theo xu hướng thị trường. Từ đó tác động của Hiệp định cũng mạnh hơn, ông Trương Đình Hòe cũng chỉ ra.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng tại EU, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại châu Âu cho biết, nhóm rau quả có tiềm năng lớn nhất. Bởi, mỗi năm EU nhập khẩu khoảng 120 tỷ USD, chiếm tới 40% tổng xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Nhưng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU mới đạt 194 triệu USD (năm 2021), chiếm thị phần rất nhỏ mà EU đang nhập khẩu. Cơ cấu xuất khẩu rau củ quả sang EU với rau củ quả tươi khoảng 70%, chế biến 30%.
*Nâng chất, xây dựng uy tín
Hưởng lợi từ thuế trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới nói chung và EVFTA nói riêng, nhưng nông sản Việt cũng gặp thách thức với các hàng rào kỹ thuật. EU là một thị trường với những yêu cầu cao, khắt khe về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS). Để tăng cường vị thế và uy tín nông sản Việt Nam tại thị trường này, các doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định của EU.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hướng tới các yếu tố phát triển bền vững vì người tiêu dùng EU đang ngày càng quan tâm đến cách sản phẩm được tạo ra có đáp ứng được các yếu tố bảo vệ môi trường hay bảo vệ quyền lợi người lao động.
Theo ông Trần Văn Công, mặc dù điều kiện nhập khẩu rất dễ vì hầu hết sản phẩm nhập khẩu vào EU không yêu cầu phải có mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; không yêu cầu khắt khe về xử lý kiểm dịch thực vật như: khử trùng, xử lý hơi nước nóng…
Nhưng EU thiên về hậu kiểm, nên sản phẩm đảm bảo về an toàn thực phẩm phải đạt dưới mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y (MRL) và doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng trong an toàn thực phẩm - HACCP.
Nếu đầu tư vào sản phẩm chế biến, ông Trần Văn Công khuyến nghị, mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường, thị hiếu rất quan trọng, vì EU phân loại các sản phẩm theo các đối tượng khách hàng khác nhau. Doanh nghiệp có thể thâm nhập để cung cấp sản phẩm cho các nhà máy chế biến thực phẩm hoặc xuất khẩu trực tiếp để phân phối vào các cửa hàng tiện ích thì mẫu mã phải thân thiện với môi trường. Một số nước đã khuyến khích sử dụng vật liệu có thể tái chế.
Hay việc EU luôn cập nhật, gia tăng các biện pháp SPS. Doanh nghiệp cần kiểm soát tốt mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y cho phép trong sản phẩm. Nếu hàng hóa không đạt yêu cầu thì EU dễ đưa ra các biện pháp kiểm soát bổ sung như: ngoài chứng nhận kiểm dịch sẽ thêm giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, tăng tần suất kiểm tra sản phẩm…
Khi mức độ vi phạm vẫn tăng, mặt hàng đó sẽ dễ bị dừng xuất khẩu vào EU. Hiện một số nông sản Việt Nam đang chịu mức kiểm soát chặt chẽ của thị trường này như rau gia vị, thanh long…
Tuy Hiệp định EVFTA có yêu cầu về những chuẩn mới như môi trường, lao động… nhưng theo ông Trương Đình Hòe, đây cũng là động lực để các doanh nghiệp thủy sản đầu tư đáp ứng cho không chỉ với thị trường châu Âu mà còn cho các thị trường khác. Đây là động lực để các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động này, góp phần mở rộng thương mại với thị trường EU cũng như các thị trường khác.
EVFTA cũng là hiệp định đầu tiên và duy nhất có bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đã có 39 bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mang lại lợi ích tốt hơn cho nông dân và doanh nghiệp như nước mắm Phú Quốc, trà Mộc Châu, bưởi Đoan Hùng… Việc mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể được thông qua đàm phán trong thời gian tới.
Theo ông Trương Đình Hòe, hai năm qua, Hiệp định chưa phát huy hết tác động do Việt Nam cũng như EU gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với dịch COVID-19. Thời gian tới, với sự quan tâm của Nhà nước trong việc tạo hành lang, môi trường thì doanh nghiệp có thể nắm bắt kịp thời, tốt hơn với lợi thế mà Hiệp định mang lại để có được hoạt động thương mại phát triển.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, các mặt hàng trao đổi giữa Việt Nam và EU có tính bổ trợ, không cạnh tranh. Hai bên còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại hàng nông sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia tích cực vào chuỗi lương thực toàn cầu trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng hợp tác với EU để tạo thuận lợi cho thương mại, đảm bảo tiêu chuẩn, hạn chế rào cản thương mại mới để thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản, tăng cường lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
- Nguồn: TTXVN
- Biên tập: Thành Trung