Lũ biến động bất thường - Bài cuối: Làm gì để có sinh kế bền vững?

13:59' - 22/09/2018
BNEWS Để đưa các mô hình sinh kế thích ứng với lũ đến người nông dân ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long một cách bền vững cần sự đầu tư, hỗ trợ rất lớn từ phía ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương.

 Để làm được điều này thì các vấn đề liên quan đến khí hậu, môi trường và hỗ trợ nông dân cần được quan tâm ưu tiên thực hiện.
*Đầu tư các dự án thủy lợi
Thực tế, ngay trong mùa lũ năm nay không chỉ gây thiệt hại cho những người dân trồng lúa ngoài vùng đê báo khép kín vì không kịp thu hoạch do lũ về sớm hơn dự báo mà còn khiến cho những nông dân đang áp dụng mô hình sinh kế thích ứng với lũ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải mất trắng theo con nước.

Ông Trương Danh Lam, ngụ tại ấp Vĩnh Lịnh, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, tỉnh An Giang đang kiểm tra thiệt hại của mô hình nuôi tôm - lúa. Ảnh: Anh Đức - TTXVN

Chẳng hạn như trường hợp của ông Trương Danh Lam, ngụ tại ấp Vĩnh Lịnh, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú (tỉnh An Giang) là hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình nuôi tôm – lúa, một sinh kế do tổ chức hợp tác quốc tế Đức – GIZ hỗ trợ triển khai đã chịu thiệt hại nặng nề khi hơn 50.000 con tôm càng xanh với tổng trị giá đầu tư con giống hơn 40 triệu đồng đã trôi theo nước lũ.
“Tôi tham gia mô hình tôm – lúa từ năm 2017 với diện tích 3 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng; trong đó, tôi được tổ chức GIZ tài trợ vốn đầu tư lên tới 70%, mình chỉ bỏ ra 30%. Vụ nuôi tôm mùa lũ năm 2017 tôi lời được 100 triệu đồng. Đến năm 2018, sau khi làm xong 2 vụ lúa tôi bắt đầu triển khai nuôi tôm càng xanh mùa lũ thì nước về sớm và lên rất nhanh, cao hơn cao độ thiết kế của lưới đăng bảo vệ nên toàn bộ số tôm giống đầu tư đã trôi đi mất”, ông Lam buồn kể.
Điều đáng nói hơn nữa là lúa mùa nổi có diện tích hơn 100 ha ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), một giống lúa có cơ chế sinh học độc đáo “nước lũ lên tới đâu, cây lúa vươn lóng tới đó” cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng bởi cây lúa không kịp vươn thân theo con nước.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng, cần tập trung nhiều nguồn lực để kịp thời đầu tư các hệ thống thủy lợi. Đồng thời, tranh thủ đàm phán với phía nước bạn Campuchia nên kết hợp với việc đầu tư hệ thống đường tuần tra và đường ra biên giới để đầu tư cơ bản hệ thống đê bao bảo vệ diện tích vùng giáp biên tránh bị ảnh hưởng khi lũ về sớm.
Theo Tổng Cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thực hiện quan điểm “sống chung với lũ một cách chủ động”, phục vụ chuyển đổi nông nghiệp từ 3 vụ lúa sang sản xuất nông nghiệp thích ứng với ngập lũ cần đầu tư tới 5 dự án thủy lợi với tổng số vốn lên tới hơn 4.700 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện nay 1 trong 5 dự án nói trên là dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long tại huyện An Phú, tỉnh An Giang đang được triển khai.

Theo ông Trần Anh Thư, dự án này là đầu tư hệ thống đê bao, bờ bao lững vừa cho lũ tràn và vừa có khả năng trữ nước mùa lũ. Có thể nói đây là một bước đầu quan trọng để triển khai các mô hình sinh kế thích ứng lũ bền vững ngay tại tỉnh đầu nguồn.
Tuy nhiên ở góc độ khác, GS TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho rằng cần phải chuyển đổi từ tư duy chiến lược “sống chung với lũ” sang tư duy chiến lược “chủ động sống chung với lũ” nhằm khắc phục tình trạng gây áp lực gia tăng đê bao (hiện chiều dài đê bao chống lũ bảo vệ 3 vụ là 20.000 km, đê chống lũ bảo vệ 2 vụ là 17.000 km và tiếp tục gia tăng) nhưng vẫn khai thác các lợi ích của lũ, hạn chế thiệt hại do lũ lớn cực đoan, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, chống nước biển dâng.
Theo quan điểm của ông Đào Xuân Học, để thực hiện chiến lược này dựa trên hệ thống đường giao thông bộ dọc hai bên sông. Nhiệm vụ là chỉ cần xây dựng thêm hệ thống cống (bao gồm cống và âu thuyền). Cống được thiết kế rộng bằng mặt cắt kênh, mở thường xuyên để nước chảy và phục vụ giao thông thủy.

Cống chỉ làm nhiệm vụ khống chế mực nước lũ trong đồng theo yêu cầu đối với những đỉnh lũ lớn cực đoan (những trận lũ khoảng 10 năm xuất hiện một lần). Âu thuyền phục vụ giao thông thủy khi cống làm nhiệm vụ kiểm soát lũ.
Mức nước lũ trong đồng được quản lý không phá hoại cơ sở hạ tầng, các khu dân sinh, không cần xây dựng đê bảo vệ các thành phố, làng ấp, không cần đê chống lũ hai vụ; không cần xây dựng các hệ thống trạm bơm tiêu cho các đô thị, các làng ấp, ruộng vườn (những năm lũ rút muộn)... Theo chiến lược này thì tổng chiều dài đê bằng đường giao thông đã có ngăn lũ trước mắt và lâu dài chỉ luôn là 1.200 km so với 37.000 km đê của phương án bao như hiện nay.
*Hỗ trợ cho nông dân

Một mô hình nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp trên đất trồng lúa kém hiệu qua. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN


Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, việc tạo niềm tin cho nông dân là vấn đề không kém phần quan trọng vì đã nhiều trường hợp nông dân trồng lúa áp dụng mô hình nuôi thủy sản bị thua lỗ. Như vậy việc sử dụng các hợp tác xã nông dân hoặc các nhóm tập thể để thực hiện mô hình thích nghi sinh kế là một vấn đề mà các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xem xét trong việc thực hiện chiến lược sinh kế. Bởi thông qua các tổ chức này sẽ tạo niềm tin cho nông dân thông qua việc chia sẻ rủi ro tập thể.
Theo đánh giá của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam - IUCN Việt Nam, thời gian qua tổ chức này ghi nhận đa phần các loại hình sinh kế đều là những sáng kiến của nông dân với quy mô nhỏ, chưa nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Chính vì vậy những mô hình sinh kế phổ biến như tôm – lúa, lúa mùa nổi, mô hình canh tác sen tuy đem lợi nhuận cao hơn lúa vụ 3 nhưng gặp phải nhiều rủi ro như nông dân gặp phải giống kém chất lượng, thị trường nhỏ, giá cả biến động…
Do vậy, việc đưa nông dân vào hợp tác xã để triển khai chiến lược sinh kế thích ứng với lũ sẽ giúp giải quyết những rủi ro nói trên. Những người nông dân tham gia mô hình có thể tiếp cận nguồn giống chất lượng cao với mức giá chiết khấu và các rủi ro thị trường có thể quản lý tốt hơn thông qua việc thương lượng tập thể, bán số lượng lớn, theo hợp đồng.
Còn về phía chính quyền địa phương, ông Trần Anh Thư, cho biết thêm hiện ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp cùng các ngành để xúc tiến việc mời gọi doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức như liên kết sản xuất – xây dựng nhà máy chế biến – tiêu thụ - xuất khẩu hoặc liên kết thu mua – tiêu thụ… cho các mô hình sinh kế thích ứng với lũ.
Mặt khác chính quyền địa phương cũng cần nghiên cứu các phương thức cung cấp vốn khởi nghiệp cho các đầu tư sinh kế để người nông dân, đặc biệt là các đối tượng nghèo có điều kiện tiếp cận các mô hình cũng cần quan tâm triển khai./.
>>> Lũ biến động bất thường - Bài 2: Thách thức của ngành nông nghiệp

>>> Lũ biến động bất thường - Bài 1: Lao đao mùa nước nổi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục