Lũ chính vụ Đồng bằng sông Cửu Long khả năng sẽ đạt đỉnh từ ngày 30/9 - 2/10

12:09' - 30/09/2024
BNEWS Đỉnh lũ tại trạm Tân Châu dự báo dao động ở mức 3,3-3,5 m (báo động 1 là 3,5 m), đỉnh lũ tại trạm Châu Đốc dự báo dao động ở mức 3 - 3,2 m (báo động 3 m).

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Lũ đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế tăng trong tuần này, nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh lũ chính vụ năm 2024 từ ngày 30/9 đến 2/10/2024.

Cụ thể, đỉnh lũ tại trạm Tân Châu dự báo dao động ở mức 3,3-3,5 m (báo động 1 là 3,5 m), đỉnh lũ tại trạm Châu Đốc dự báo dao động ở mức 3 - 3,2 m (báo động 3 m).

Mực nước lũ nội đồng trong tháng 10 dự báo ở mức thấp trên vùng thượng, cao trên vùng giữa và vùng ven biển.

Tại vùng thượng mực nước đỉnh lũ tháng 10 khả năng cao rơi vào các ngày đầu tháng 10, ở mức đỉnh lũ xấp xỉ và trên mức báo động 1, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm, thấp hơn đỉnh lũ chính vụ năm 2023.

Vùng giữa mực nước đỉnh lũ tháng 10 biến đổi phổ biến ở mức báo động 2 - báo động 3, một số trạm trên mức báo động 3, thời gian đạt đỉnh vào 19-21/10/2024, cao hơn trung bình nhiều ănm, cao hơn cùng kỳ năm 2023.

Vùng ven biển mực nước đỉnh lũ tháng 10 rơi vào 19-21/10, mực nước lớn nhất biến đổi phổ biến ở mức báo động 2 – báo động 3 đối với các trạm thuộc vùng ven biển Đông; phổ biến từ báo động 2 – báo động 3 và trên báo động 3 đối với các trạm thuộc khu vực ven biển Tây, mực nước cao hơn trung bình nhiều năm và phổ biến xấp xỉ và thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

Theo Cục Thủy lợi, với mức lũ tháng 10 năm 2024 như trên, về cơ bản hệ thống ô bao, bờ bao trên vùng Thượng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đủ khả năng đáp ứng bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, do triều cường được dự báo ở mức khá cao kết hợp mưa cục bộ ngày càng bất thường nên khả năng gây ảnh hưởng ngập úng, ngập triều ở các địa phương thuộc vùng giữa và vùng ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long là không tránh khỏi.

Cục Thủy lợi khuyến cáo, đối với vùng giữa, các địa phương cần lưu ý tình trạng ngập úng/ngập triều có thể xảy ra ở mức cao trên những khu vực có địa hình thấp thuộc các tỉnh gồm: khu vực ven sông và giữa 2 sông Tiền sông Hậu của tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng. Nguy cơ bị ngập triều cao nhất là trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long.

Đối với khu vực ven Biển Đông tuy ít bị ảnh hưởng bởi lũ đầu nguồn nhưng do triều cường được dự báo ở mức khá cao, nên vẫn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng/ngập triều trên những khu vực có địa thấp trên các huyện, thị xã, thành phố ven biển các tỉnh: Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang một phần nằm phía gần biển Đông của tỉnh Cà Mau.

Khu vực ven Biển Tây là vùng ít bị ảnh hưởng bởi lũ đầu nguồn, nhưng do địa hình thấp trũng, mưa tập trung lớn kết hợp triều cường, nên nguy cơ ngập do triều cường và mưa lớn ở vùng có địa hình thấp là không tránh khỏi.

Điển hình trên địa bàn thành phố Cà Mau (Cà Mau) và các khu vực sản xuất và khu dân cư có địa hình trũng thấp thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé gồm địa bàn các huyện: An Minh, An Biên, Châu Thành, thành phố Rạch Giá, huyện Giồng Riềng, Gò Quao của tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, khu vực Trung tâm vùng Bán đảo Cà Mau thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cần đặc biệt lưu ý nguy cơ ngập úng khi mưa lớn xảy ra trong kỳ triều cường.

Trong tháng 9, lũ nội đồng trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức khá cao do lũ kết hợp triều cường và biến đổi mạnh theo triều. Ngập úng cục bộ do triều cường và mưa lớn trên một số địa bàn các tỉnh vùng Giữa và Ven Biển Đồng bằng sông Cửu Long. Trong số đó, tỉnh Bạc Liêu có hơn 12.600 ha lúa bị đổ ngã và gần 220 ha bị mất trắng và triều cương dâng cao gây ra sạt lở bờ bao tại khu vực tổ 16 (cồn Phú Đa), ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vào ngày 16-18/9/2024, gây ngập úng cho khoảng 15 ha diện tích gieo trồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục