“Luật hóa” để quản lý phát triển đô thị hiệu quả hơn

14:10' - 25/12/2017
BNEWS Luật Quản lý Phát triển đô thị được xây dựng nhằm xử lý cấp bách những vấn đề bất cập; hoàn thiện hệ thống công cụ pháp luật điều chỉnh các hoạt động về phát triển đô thị hiệu quả.
Hội thảo tham vấn ý kiến Luật Quản lý Phát triển đô thị. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Ngày 25/12, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Luật Quản lý Phát triển đô thị với sự tham gia của các chuyên gia bộ, ngành cùng lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh khẳng định, sau 30 năm đổi mới, tiến trình đô thị hóa đã gắn kết với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ đô thị đạt khoảng 37,5%, số lượng đô thị đạt 813 đô thị từ loại đặc biệt đến loại 5. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh tại các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước.

Nhiều đô thị mới hình thành và phát triển, tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập nếu không được khắc phục và kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy và hậu quả lâu dài về nhiều mặt.

Do đó, Luật Quản lý Phát triển đô thị được xây dựng nhằm xử lý cấp bách những vấn đề bất cập; hoàn thiện hệ thống công cụ pháp luật điều chỉnh các hoạt động về phát triển đô thị hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Nguyễn Tường Văn dẫn chứng, mạng lưới đô thị tăng về số lượng quy mô, nhưng chất lượng, năng lực cạnh tranh chưa cao; hệ thống hạ tầng chưa đảm bảo kết nối giữa các đô thị lớn đến các đô thị nhỏ; tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến, diện rộng... Trong khi đó, triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải; nguồn lực phát triển tại các đô thị còn thiếu, chưa được sử dụng hiệu quả…

Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, phát triển đô thị tại Việt Nam hiện nay còn dàn trải, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội không bảo đảm. Do đó, Luật Quản lý Phát triển đô thị cần bảo đảm để khi phát triển đô thị vẫn phải có kiểm soát, tránh được tình trạng tràn lan như hiện nay.

Theo ông Lê Anh Đức, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, đô thị được phân loại từ đô thị loại 5 dến đô thị đặc biệt, mỗi đô thị có tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên thực tế tại địa phương cho thấy, có những dự án phát triển đô thị mới tại Quảng Bình mời các nhà đầu tư vào cũng khó khăn.

"Điều này đòi hỏi phải tạo những cơ chế khuyến khích riêng chứ không thể “đánh đồng”. Có những khu đô thị nằm ở khu vực miền núi, địa hình cho phát triển hạ tầng khó khăn, dân số chỉ từ 5.000-6.000 dân hoặc có các khu tái định cư dân số không lớn thì cần có hình thức quản lý cho phù hợp mà vẫn hiệu quả, tiết kiệm. Những vấn đề này cũng cần đưa vào Luật", ông Đức nhận xét.

Ở một góc độ khác, đại diện Sở Quy hoạch Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, không nên cứng nhắc quy định Ban quản lý phải là cơ quan hành chính nhà nước. Bởi phát triển đô thị còn liên quan đến thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư nên nếu được mở rộng hơn thì có thể cho phép các đơn vị, cơ quan có năng lực đảm nhận, tham gia quản lý. Như vậy, vừa hạn chế tăng thêm biên chế, vừa mang lại hiệu quả trong công tác quản lý.

Cùng đó, quy định liên quan đến khai thác quỹ đất cần có sự tham gia của ngành tài nguyên môi trường bởi nguồn lực khai thác từ quỹ đất rất quan trọng. Từ thực tiễn phát triển của Tp. Hồ Chí Minh, cần tính toán đến việc khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường khi giải phóng mặt bằng các dự án để tránh lãng phí.

Hội thảo đã tập trung vào 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua để xây dựng gồm: phát triển đô thị theo định hướng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ; quản lý đầu tư phát triển đô thị; phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, xanh, sinh thái; đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển đô thị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục