Luật Kiểm toán Nhà nước nâng cao hiệu quả giám sát tài chính công

17:05' - 04/11/2020
BNEWS Với các kết quả kiểm toán, Kiểm tóan Nhà nước đã góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; phòng, chống tham nhũng.

Qua 3 năm thực hiện Luật Kiểm tóan Nhà nước năm 2015, Kiểm tóan Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 240.000 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân.

Với những kết quả đã đạt được, Kiểm tóan Nhà nước đã góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; phòng, chống tham nhũng. 

Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, gắn với việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Kiểm tóan Nhà nước; đồng thời, sau hơn 3 năm thi hành, Luật Kiểm toán Nhà nước bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Thực hiện Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH ngày 18/01/2018 của Đảng Đoàn Quốc hội, KTNN đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật số 55/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 và có hiệu liệu từ ngày 01/7/2020.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm tóan Nhà nước năm 2015 đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về Kiểm toán Nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm tóan Nhà nước; nâng cao hiệu quả giám sát tài chính công, tài sản công và công tác phòng, chống tham nhũng

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm tóan Nhà nước năm 2015 đã giải thích rõ thuật ngữ “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; đồng thời bổ sung thẩm quyền cho Kiểm tóan Nhà nước trong việc kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Với việc bổ sung giải thích rõ thuật ngữ “cơ quan tổ chức có liên quan trong hoạt động kiểm toán” sẽ giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có cách hiểu thống nhất từ đó chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ phát sinh theo quy định của Luật Kiểm tóan Nhà nước.

Mặt khác trong quá trình kiểm toán, Kiểm tóan Nhà nước có quyền kiểm tra, đối chiếu hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động kiểm toán. Điều này phù hợp với nguyên tắc ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó phải được kiểm toán nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đúng quy định pháp luật, hiệu quả và chống thất thoát lãng phí nguồn lực nhà nước.

Để nâng cao chất lượng của các cuộc kiểm toán, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm tóan Nhà nước đã bổ sung cho Kiểm tóan Nhà nước được quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán.

Việc bổ sung quyền truy cập cho Kiểm tóan Nhà nước là cần thiết để phục vụ cho hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0. Đồng thời, quy định chặt chẽ khi khai thác, truy cập thông tin, dữ liệu điện tử thì KTNN phải chịu trách nhiệm đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật, bảo mật thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán sẽ giảm nhân lực, rút ngắn thời gian kiểm toán trực tiếp tại đơn vị, nâng cao hiệu quả kiểm toán.

Từ thực tế thi hành pháp luật về Kiểm tóan Nhà nước những năm qua cho thấy, đã phát sinh những vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm hoặc vi phạm quy định về điều cấm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan như: trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện kiểm toán; không giải trình đầy đủ, kịp thời các vấn đề do Đoàn kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước yêu cầu… Mặc dù có những sai phạm nêu trên nhưng việc xử lý còn nhiều bất cập, chủ yếu mới chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm vì chưa có các chế tài để áp dụng đối với hành vi vi phạm trên. 

Vì vậy, hiệu lực của hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật chưa đạt được như mong muốn, điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu lực hoạt động kiểm toán của Kiểm tóan Nhà nước. Nhằm khắc phục tình trạng trên Luật đã bổ sung mang tính nguyên tắc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước của Kiểm toán Nhà nước, thẩm quyền, mức phạt, trình tự thủ tục xử phạt cụ thể sẽ do pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định.

Nhằm bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật Kiểm toán Nhà nước với Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ về phòng chống tham nhũng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung một số điều được quyền đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện việc kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua quá trình giám sát và cơ chế phản hồi của Kiểm toán Nhà nước.

Đồng thời, để việc thực hiện phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước còn bổ sung quyền hạn của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng, việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả hoạt động và trách nhiệm phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động giữa Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra, kiểm tra trên tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Luật đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan thanh tra và Kiểm toán Nhà nước trong việc phối hợp, tránh chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán 

Theo đó, khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm, Kiểm toán nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo.

Khi tiến hành hoạt động kiểm toán, thanh tra, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo, Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan thanh tra để xử lý.

Để tăng cường việc phòng, chống tham nhũng cũng như để đảm bảo quyền lợi của đơn vị được kiểm toán cũng như của các tổ chức cá nhân có liên quan, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đã quy định rõ đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài ra, đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán khi có căn cứ cho rằng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung của Quyết định giải quyết khiếu nại tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Như vậy, với những sửa đổi, bổ sung trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước quá đó nâng cao hiệu quả giám sát tài chính công, tài sản công và công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục