Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ thuế

20:48' - 15/11/2018
BNEWS Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều nội dung trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV lần này chỉ mới tập trung vào đối tượng nộp thuế...
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều nội dung trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV lần này chỉ mới tập trung vào đối tượng nộp thuế; các giải pháp để tăng cường hiệu quả thu thuế và chế tài áp dụng khi có hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Tuy nhiên, dư luận xã hội và cử tri cả nước còn quan tâm nhiều hơn tới vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, cơ quan quản lý thuế; làm sao để ngăn chặn được tình trạng chuyển giá hay sự thông đồng, móc ngoặc giữa người nộp thuế và đại diện cơ quan quản lý để trốn thuế.... 

* Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tương đối là chi tiết, tuy nhiên có mấy điểm theo tôi cần lấy ý kiến nhiều hơn. Chẳng hạn như vấn đề trách nhiệm cơ quan thuế, của những cán bộ thuế với các cơ quan như kiểm toán, thanh tra. Rõ ràng giữa họ có mối quan hệ mật thiết. Nếu cơ quan thuế thực hiện không tốt nhiệm vụ thì trách nhiệm thuộc về cơ quan thuế. Chứ không thể phủ nhận phát hiện của cơ quan kiểm toán hay thanh tra. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Thạch Huê
Điều ấy toát lên 1 vấn đề rằng, trong luật này có 1 chương quy định trách nhiệm của những người liên quan đến quá trình quản lý thuế; trong đó, chủ yếu chỉ mới đề cập tới trách nhiệm của những người nộp thuế mà thôi. Nếu anh kê khai thuế sai thì sao? Chậm nộp thuế thì sao... Vậy nếu cán bộ quản lý thuế để xảy ra tình trạng ấy thì sao, không hoàn thành nhiệm vụ hay làm sai, áp dụng mức thuế sai với người nộp thuế thì cán bộ thuế có trách nhiệm không? Đây chính là nội dung cần bổ sung và tiếp thu thêm nhiều ý kiến đóng góp. 

Hay liên quan tới nội dung chống chuyển giá. Trong dự thảo luật này đã đề cập tới như quy định về giao dịch liên kết, nhưng thực sự chưa được rõ ràng; chưa bàn được tới những giải pháp để có thể ngăn chặn được hết những nguy cơ nhằm chống chuyển giá.... 

Ngoài ra, trong luật này cũng đề cập một vấn đề nhưng theo tôi còn thiếu tính quyết liệt, đó là, việc sử dụng các hóa đơn và chứng từ điện tử. Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tất cả các hoạt động giao dịch đều có thể được kết nối với cơ quan thuế và cơ quan hải quan. Ở đây, có lẽ cần mạnh dạn hơn 1 mức nữa là không chỉ quy định chỉ những doanh nghiệp nào có đủ điều kiện thì mới phải thực hiện hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử; mà cần chuyển hẳn thành quy định tất cả những hoạt động kinh doanh dù là của doanh nghiệp hay của hộ gia đình thì đều phải thực hiện giao dịch điện tử. 

Tôi cho rằng, nếu quán triệt được và thực hiện đúng quy định như vậy thì sẽ không có chuyện mờ ám trong các hoạt động kinh doanh của hộ gia đình hoặc xác định thuế không phù hợp... Nếu quyết liệt hơn thì riêng chuyện này có thể giải quyết được nhiều tình trạng tồn đọng của ngành thuế trong thời gian qua. 

* Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An): Việc sửa đổi Luật Quản lý thuế là bình thường trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, dự thảo luật lần này cần tham khảo thêm nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội mà theo tôi là rất xác đáng. Bởi lẽ, cá nhân tôi cũng không đồng tình với một số nội dung đề xuất điều chỉnh. 

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An). Ảnh: Thạch Huê
Cụ thể như các chế tài để chống thất thu thuế dường như “vô lý”. Đơn cử như, quy định yêu cầu, khi có thông báo cưỡng chế từ cơ quan thuế, các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản của người nợ thuế hay bị phạt thuế. Hay như quy định trách nhiệm của người thứ 3 khi có hợp đồng giao dịch với người có hành vi vi phạm về thuế, chẳng hạn. Ngoài ra, còn có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp khi có người lao động vi phạm pháp luật thuế… 

Tôi cho rằng, những vấn đề này cần sự tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở thực tiễn để nếu áp dụng sẽ khả thi và mang lại hiệu quả cao hơn đối với công tác quản lý thuế. Trên hết vẫn là cần nhận được sự đồng tình của dư luận và cử tri cả nước. 

* Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi): Đôi khi cầu toàn quá vào một dự thảo luật nào đó, theo tôi, cũng là khó. Tuy nhiên, riêng với dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần tiếp tục phải hoàn thiện nhiều hơn. Bởi, cơ bản nhất là ngay như quy định về đối tượng áp dụng theo dự thảo luật này cũng chưa được rõ ràng; khi thực hiện cũng sẽ rất khó khăn. 

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi). Ảnh: Thạch Huê
Riêng những giải pháp để chống thất thu thuế hay chống chuyển giá được đề cập trong dự thảo luật cũng rất chung chung. Tôi hiểu rằng, để giải quyết tốt được những yêu cầu vừa nêu cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phụ thuộc vào tính minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn thu hay đối tượng thu. Tuy nhiên, không thể dễ dãi trong công tác soạn thảo và ban hành văn bản khi biết chắc rằng tính khả thi của luật ấy không cao và khó áp dụng trong thực tiễn. 

Một vấn đề khác theo tôi rất quan trọng, đó là cần tạo ra một môi trường chính sách ổn định cho mọi hoạt động kinh tế. Đây là yếu tố then chốt cho sự phát triển không chỉ của các tổ chức, cá nhân, mà còn của toàn nền kinh tế nói chung. Sửa đổi luật hay bất cứ việc ban hành chính sách thế nào cũng cần giúp doanh nghiệp an tâm hoạt động. Cùng với đó, đảm bảo thu hút nhiều nguồn lực từ bên ngoài vào đầu tư phát triển kinh tế... 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục