Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần thêm thời gian hoàn thiện

16:36' - 15/11/2018
BNEWS Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật này chưa thực sự phản ánh đầy đủ những vấn đề nổi cộm, vướng mắc của ngành thuế.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn Bến Tre. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN
Chiều ngày 15/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật này chưa thực sự phản ánh đầy đủ những vấn đề nổi cộm, vướng mắc của ngành thuế; các nội dung được đề xuất điều chỉnh và sửa đổi còn chung chung. Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn Bến Tre đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về một số nội dung liên quan tới vấn đề này.

Phóng viên: Đại biểu cho biết về sự cần thiết của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được trình Quốc hội lần này?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy: Phải thừa nhận rằng, khi xã hội phát triển thì các hành vi vi phạm về thuế sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp. Đa số các doanh nghiệp đều chấp hành tốt quy định thuế, nhưng cũng không phải là tất cả. Đó là lý do mình phải sửa đổi luật. Tuy nhiên, nếu sửa đổi luật nhưng không dự báo trước được các tình huống có thể xảy ra thì cũng sẽ hạn chế.

Bởi nếu dự báo được các tình huống để đưa vào nội dung sửa đổi luật thì mới bao quát hết những vấn đề nổi cộm và phát sinh. Mặc dù, không thể nói là lường trước hết được 100% những tình huống gian lận, vi phạm thuế thì ít nhất cũng phải hạn chế được tối đa để không thể nào phải sửa đổi pháp luật về thuế liên tục như thế này.

Phóng viên: Đại biểu có thể nói rõ hơn về quan điểm của mình?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy: Tôi thấy rằng, nếu luật cứ thay đổi thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong việc áp dụng. Ít nhất khi tham gia thị trường, doanh nghiệp và người dân cần nắm vững các quy định pháp luật về thuế hay biết trước các định hướng của Nhà nước để ra quyết định hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Nay 2 năm đã thay đổi luật khiến doanh nghiệp chần chừ khi ra quyết định kinh doanh. Bên cạnh đó, cần phải đánh giá tác động xem việc liên tục sửa đổi pháp luật về thuế trong thời gian vừa qua có làm ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp hay không?

Dự thảo luật lần này, những dự báo, bất cập đưa ra để sửa trong các điều khoản bổ sung cũng chưa đầy đủ và bao quát. Thậm chí, những nổi cộm và bất cập hiện thời mà dự thảo luật có đề cập tới thì những giải pháp và nội dung sửa luật được đề xuất cũng không thể giải quyết được.

Chẳng hạn như vấn đề chuyển giá. Hiện nay, có rất nhiều hình thức đa dạng về chuyển giá, rất nhiều mánh khóe tinh vi nhưng những giải pháp được đề xuất dường như chưa thực hiệu quả. Những từ ngữ được nêu trong dự thảo luật còn rất chung chung, không nêu rõ những chế tài áp dụng...

Hay một cơ sở sản xuất kinh doanh phải đạt quy mô như thế nào thì phải lên doanh nghiệp và có bắt buộc hay không ? Nếu họ cố tình không đăng ký doanh nghiệp thì ai quản lý được. Hiện nay, các hộ kinh doanh cá thể đang áp dụng việc ấn định thuế. Tuy nhiên, ấn định thuế là hình thức không đảm bảo tính minh bạch. Ở chỗ, cơ quan thuế hay là 1 hay 2 cá nhân đại diện (được giao phụ trách địa bàn) sẽ ấn định thuế cho hộ kinh doanh cá thể. Rõ ràng, sẽ phát sinh sự thông đồng, thỏa thuận giữa cán bộ thuế và người nộp thuế. Hay như việc xây dựng tiêu chí thu thuế...cũng là do cơ quan thuế xây dựng.

Nay lại đưa ra giải pháp quản lý cộng đồng, thanh tra thuế, trong khi chức năng thanh tra cũng chưa hình thành được, còn sự nhầm lẫn giữa thanh tra Nhà nước với thanh tra thuế. Hơn nữa, đặc thù của thanh tra thuế cũng chỉ mới nêu được quyền hạn, còn trách nhiệm và nghĩa vụ như thế nào cũng chưa rõ ràng.

Nhất là với nhiều trường hợp, do đại diện cơ quan thuế gây thiệt hại cho doanh nghiệp về kinh tế, danh dự, uy tín... thì cần phải xử lý ra sao; cán bộ thuế phải chịu trách nhiệm như thế nào hay thanh tra thuế vi phạm pháp luật về thanh tra có bị xử lý không....? Những điều này cần phải đưa vào luật.

Vì vậy, có thể thấy rằng, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này còn chưa thực sự hoàn chỉnh và cần thêm thời gian để hoàn thiện.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cần một môi trường kinh doanh ổn định; trong đó, kể cả các chính sách về thuế, Đại biểu có ý kiến gì về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy: Trong bối cảnh hiện nay, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển đều phải chú trọng tới hồ sơ năng lực, hồ sơ tài chính; trong đó, có các nội dung liên quan tới chấp hành quy định pháp luật về thuế. Bởi khi ra thị trường, các doanh nghiệp đều được xếp hạng theo chỉ số uy tín; đặc biệt là những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán hay có liên kết với nước ngoài chẳng hạn. Nếu giờ họ chuẩn bị làm một hợp đồng giao dịch gì đó mà chỉ vì chuyện bị thanh tra thuế hoặc vì chuyện thay đổi chính sách thuế làm cho những hoạt động đó bị ngưng lại và chịu ảnh hưởng thì ai sẽ chịu trách nhiệm ?

Vấn đề thay đổi chính sách thuế sẽ nghiêm trọng với những dự án hay các nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định tham gia thị trường Việt Nam.

Tôi thấy rằng, còn rất nhiều bất cập, nhưng khi đưa ra dự thảo luật (sửa đổi) để trình thì chưa rõ. Do đó, rất cần có thêm thời gian nữa để khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sau khi được thông qua và ban hành sẽ kéo dài hơn nữa thời gian áp dụng luật. Từ đó, tạo sự ổn định cho toàn hệ thống văn bản pháp luật về thuế cũng như tạo tâm lý yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.

Phóng viên: Xin cảm ơn Đại biểu!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục