Luật sư hướng dẫn người gửi tiền tại Ngân hàng SCB cách bảo vệ quyển lợi

11:04' - 30/11/2023
BNEWS Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp, luật pháp sẽ bảo về quyền lợi người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng nói chung và Ngân hàng SCB nói riêng.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và một số đơn vị khác.

Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB. Kết luận điều tra cũng xác định, tại thời điểm khởi tố vụ án ngày 17/10/2022, số tiền khách hàng gửi tại Ngân hàng SCB đang là 511.262 tỷ đồng theo số liệu trên sổ sách.

 

Cụ thể, tổng số tiền Ngân hàng SCB huy động từ người dân và vay các tổ chức khác là 673.586 tỷ đồng. Trong đó, có 511.262 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng; 76.845 tỷ đồng phát hành giấy tờ có giá; 66.060 tỷ đồng vay Ngân hàng Nhà nước; 12.693 tỷ đồng tiền gửi của các tổ chức khác và 6.756 tỷ đồng vay từ các tổ chức tín dụng khác.

Sau khi bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm bị khởi tố, bắt tạm giam, nhiều người dân nhất là các khách hàng của Ngân hàng SCB bày tỏ sự lo lắng đối với khoản tiền gửi trong ngân hàng này.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan chức năng đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể quyết liệt để đảm bảo an toàn hoạt động chung cũng như của Ngân hàng SCB; đồng thời có những biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng. 

Do đó, cá nhân, tổ chức có tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi, trong đó có những khoản tiền gửi rút trước hạn vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn tại Ngân hàng SCB.

Đối với trường hợp dẫn đến ngân hàng phá sản, người gửi tiền có thể sẽ không rút lại được toàn bộ số tiền mình đã gửi mà chỉ nhận lại được một khoản tiền bảo hiểm đền bù. Theo quy định tại Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 thì các ngân hàng nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách.

Bên cạnh đó, theo Điều 3 Quyết định 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm thì số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (bao gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.

Như vậy, đối với trường hợp ngân hàng dẫn đến phá sản thì người gửi tiền vào ngân hàng đó sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 125 triệu đồng. Bên cạnh việc nhận tiền bảo hiểm thì người gửi còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản theo quy định.

Tuy nhiên, luật sư Hoàng Trọng Giáp cho biết: "Từ trước đến nay chưa có một ngân hàng nào thực hiện thủ tục phá sản kể cả một số ngân hàng hoạt động yếu kém thì ngân hàng Nhà nước cũng cơ cấu lại, mua lại với giá 0 đồng nên quyền lợi của người gửi tiền vẫn hoàn toàn được đảm bảo. Ví dụ như đối với trường hợp trước đây cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB - ông Nguyễn Đức Kiên tức bầu Kiên bị bắt thì Ngân hàng ACB vẫn hoạt động bình thường và vẫn bảo đảm quyền lợi cho người gửi".

Ngoài ra cũng còn nhiều quy định pháp luật khác để bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền vì một trong những yêu cầu quan trọng nhất, cơ bản nhất mang tính sống còn của hệ thống ngân hàng đó chính là đảm bảo sự an toàn của người gửi tiền. Chẳng hạn như Luật các Tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước quy định khi một ngân hàng có nguy cơ, gặp khó khăn, các ngân hàng khác sẽ có trách nhiệm cùng tham gia hỗ trợ. Với sự bảo đảm của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước như vậy, các ngân hàng sẽ có nghĩa vụ và trách nhiệm cùng pháp luật tham gia hỗ trợ, giải quyết những vấn đề khó khăn chung.

"Người dân hoàn toàn có cơ sở, kể cả pháp lý lẫn cơ chế chính trị và cơ chế thực tế như đã giải quyết các vụ việc khác tương tự với các cách thức khác nhau nên vụ việc này không có gì đáng lo ngại. Người dân tránh hoang mang để gây căng thẳng cho Ngân hàng SCB nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung", luật sư Hoàng Trọng Giáp nhận định.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, sau sự việc xảy ra tại Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã trực tiếp thông báo và có cam kết với người dân về việc bảo toàn vốn tiền gửi cũng như vốn đầu tư trái phiếu tại đây nên người dân phải hết sức bình tĩnh. Nếu rút tiền trước hạn sẽ rất thiệt thòi, không được hưởng lãi, đồng thời gây ra những xáo trộn không đáng có trong hệ thống ngân hàng nói riêng và cả xã hội nói chung. Và cuối cùng ảnh hưởng lớn nhất vẫn là người dân.

"Tình trạng một số người dân lo lắng rút tiền gửi trước hạn khi lãnh đạo ngân hàng bị bắt đã từng xảy ra ở nước ta song đến nay, tất cả các ngân hàng xảy ra biến cố đều hoạt động bình thường, quyền lợi của người dân được bảo đảm. Trường hợp cần thiết, cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục