Luật sư nói gì về vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam?

10:56' - 03/04/2024
BNEWS 5 năm qua, nhiều phụ huynh đã cho AISVN vay tiền với hình thức góp vốn tài chính đầu tư, khi nào học sinh học xong 12 năm hoặc chuyển đi thì trường sẽ hoàn lại số tiền này.

Về vụ việc Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) nợ lương giáo viên,trên 1.200 học sinh phải nghỉ học vì giáo viên không đến trường, phóng viên báo Tin tức đã có trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Vũ Quyết Tiến, thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Luật GLOBALINK.

Phóng viên: Thưa Luật sư, ông có đánh giá gì từ những thông tin về tình hình trường AISVN cho học sinh nghỉ học do nợ lương giáo viên?

Qua những thông tin tôi được tiếp nhận, thì có vài tình tiết mà trường AISVN đã làm sai luật.

Cụ thể, trong 5 năm qua, nhiều phụ huynh đã cho AISVN vay tiền với hình thức góp vốn tài chính đầu tư, khi nào học sinh học xong 12 năm hoặc chuyển đi thì trường sẽ hoàn lại số tiền này, coi như con được học miễn phí. Có phụ huynh góp vài trăm triệu đồng đến 15 tỷ đồng; có phụ huynh cho vay nhiều lần, giá trị hợp đồng cho vay tùy thời điểm và một hợp đồng ít nhất là 100.000 USD.

Thế nhưng, trường AISVN đột ngột thông báo cho trên 1.200 học sinh nghỉ học vì giáo viên không đến trường, chủ trường (bà Nguyễn Thị Út Em) cho hay đã nợ lương, bảo hiểm xã hội của giáo viên khoảng 2 tháng và đến nay vẫn chưa ổn định lại việc dạy học.

Phóng viên: Với những thông tin trên, tôi nhận thấy có một số điểm chưa rõ, cần xác minh tính chính xác. Thứ nhất, việc các phụ huynh cho trường AISVN vay hay ký hợp đồng đóng gói tài chính với mục đích là gì và như thế nào?

Bởi theo căn cứ Điều 95 của Luật Giáo dục 2019 có quy định, nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục bao gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nguồn thu từ dịch vụ giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục; nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; lãi tiền gửi ngân hàng và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước; nguồn vốn vay; nguồn tài trợ, viện trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Theo như thông tin trong thời gian gần đây thì việc phụ huynh cho trường AISVN vay thực chất là đóng gói đầu tư. Như vậy, đây là các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục được quy định theo Luật Giáo dục. Tuy nhiên, cần phải làm rõ nhà trường sử dụng gói đầu tư có đúng mục đích và phù hợp với thoả thuận giữa các bên hay không? Có tuân thủ pháp luật về dân sự hay pháp luật về đầu tư hay không? Vì hiện nay, có một số lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo luật định, các bên không chỉ tuân thủ các điều kiện riêng về luật chuyên ngành còn phải tuân thủ điều kiện chung về điều kiện luật đầu tư.

Phóng viên: Vậy thưa ông, với đánh giá trên, trường AISVN sai luật như thế nào?

Từ những phân tích trên và căn cứ vào Luật Giáo dục 2019 về việc cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi hoặc lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc góp tiền hoặc hiện vật, tôi nhận thấy trường AISVN có vài điểm không phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo điểm b, c khoản 2 Điều 49 Luật Giáo dục 2019, nhà trường được phép hoạt động giáo dục khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học, trình độ đào tạo; có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục; có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục…”.

Căn cứ vào những điểm trên, trường AISVN đã vi phạm vì không bảo đảm nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động giáo dục. Nguyên nhân, toàn bộ số tiền mà các phụ huynh cho vay và đầu tư cho nhà trường hiện nay không rõ đã đi đâu, dẫn đến việc nhà trường không bảo đảm nguồn lực tài chính cho việc dạy học. Mặt khác, nếu nhà trường không thể giải trình về nguồn tiền sử dụng đúng mục đích mà phụ huynh cho vay hoặc đầu tư thì điều đó có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ dân sự của hợp đồng, kể cả vi phạm pháp luật hình sự.

Ngoài ra, với việc nợ của lương giáo viên, nhà trường còn vi phạm về các nghĩa vụ đóng các loại thuế thu nhập cá nhân và các khoản tiền Bảo hiểm xã hội theo luật định mà người lao động và người sử dụng lao động buộc phải có nghĩa vụ thực hiện với nhà nước.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://baotintuc.vn/giao-duc/luat-su-noi-gi-ve-vu-truong-quoc-te-my-viet-nam-20240325151806837.htm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục