Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Cần giảm tối đa về thuế cho ngành báo chí

14:53' - 21/11/2024
BNEWS Bên lề Quốc hội ngày 21/11, các đại biểu cho rằng, cần phải tiếp tục đầu tư cho ngành báo chí, truyền thông một cách đầy đủ hơn cả về nguồn nhân lực và tài chính.

Theo dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đề xuất mức thuế đối với các cơ quan báo chí là 15%, giảm 5% so với mức hiện hành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm này chưa phù hợp và cần giảm thêm; nhất là trong bối cảnh hiện nay, kinh tế báo chí gặp rất nhiều khó khăn.

Bên lề Quốc hội ngày 21/11, các đại biểu cho rằng, cần phải tiếp tục đầu tư cho ngành báo chí, truyền thông một cách đầy đủ hơn cả về nguồn nhân lực và tài chính. Đồng thời, xem xét giảm đến mức tối đa có thể về thuế.

*Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Xem xét giảm đến mức tối đa về thuế

Báo chí cách mạng Việt Nam đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với nhân dân, giúp người dân hiểu và thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Cùng đó, tuyên truyền cũng như giới thiệu được những tấm gương sáng cho cộng đồng; đấu tranh và phản bác các luận điệu xuyên tác từ phe đối địch. Lực lượng phóng viên báo chí, truyền thông, truyền hình đã góp phần trong công tác phòng chống tham nhũng lãng phí tiêu cực, từ đó, giúp ngân sách nhà nước tăng nguồn thu từ các vụ án.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải tiếp tục đầu tư cho ngành báo chí, truyền thông một cách đầy đủ hơn cả về nguồn nhân lực và tài chính.

Thời gian qua, ngành báo chí truyền thông đã bị ảnh hưởng rất lớn về quảng cáo, nhất là từ khi đại dịch COVID-19 và sự phát triển của thời đại kỹ thuật số, nguồn thu truyền thống của các cơ quan báo chí đã bị ảnh hưởng nặng. Do đó, để ngành báo chí truyền thông phát triển tốt cần đầu tư nhiều hơn về trang thiết bị và nguồn nhân lực. Cùng với đó, có chính sách về tài khóa, thuế, ngân sách ưu đãi nhất dành cho ngành này.

Theo đó, giảm mức tối đa về thuế thay vì giảm từ 20% xuống 15% và có thể giảm trong thời gian từ 5-10 năm để lực lượng báo chí có điều kiện để đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực.

Đối với các đơn vị báo chí tự thu, tự chi có tính chất tự chủ, tôi nghĩ rằng các cơ quan báo chí truyền thông cũng đã nỗ lực rất nhiều trong việc đáp ứng khoản thu chi của mình. Tuy nhiên, cần phải quan tâm nhiều hơn đến đầu tư vật chất máy móc hiện đại cho các cơ quan này. Nhất là trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì cần phải xem xét để giảm đến mức tối đa về thuế.

* Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp: Chính phủ cần phải quan tâm nhiều hơn cho báo chí

Trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Quốc hội sẽ thảo luận và theo đề xuất của Chính phủ sẽ giảm thuế thu nhập của cơ quan báo chí xuống 15%. Tôi nghĩ đây là việc giảm cần thiết trong bối cảnh đời sống của biên tập viên, phóng viên còn  khó khăn.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Tôi thấy rằng, cần phải giảm xuống nữa, vì thu nhập của nghề báo đang rất thấp. Tổng mức thuế đóng cũng không bằng các ngành, nghề khác. Trong khi báo chí là kênh tuyên truyền của Nhà nước đến với người dân thì mức thuế các cơ quan báo chí đang phải đóng như vậy còn cao.

Không những thế, hiện nay, báo chí đang phải cạnh tranh rất nhiều với các trang mạng xã hội, nhất là quảng cáo trên mạng xã hội. Thường những quảng cáo trên mạng xã hội sẽ thu hút hơn là quảng cáo của báo chí truyền thống. Vì vậy, chính sách nhà nước hỗ trợ cho các cơ quan báo chí là rất cần thiết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục