Lực đẩy để xuất khẩu Việt Nam và Singapore vươn xa

18:40' - 24/04/2018
BNEWS Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1973-1/8/2018) và 5 năm quan hệ Đối tác Chiến lược (9/2013-9/2018), đến nay quan hệ Việt Nam - Singapore đã có bước nhảy vọt về lượng và chất.
Xuất khẩu rau quả sang Singapore. Ảnh: TTXVN

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song hợp tác hai nước thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu giữa hai quốc gia.

Vì thế, chuyến thăm nước Cộng hòa Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 25 đến 27/4 được nhân dân hai nước hy vọng sẽ mở ra chương mới về hợp tác chiến lược và đưa ra những hoạch định nhằm phục vụ cho lợi ích của mỗi quốc gia.

Đối tác tin cậy

Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, thời gian qua thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam-Singapore luôn đạt tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Cùng đó, Singapore còn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong số các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thống kê từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, kể từ năm1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Điều này thể hiện qua kim ngạch thương mại hai nước tăng theo từng năm. Nếu như năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 7,1 tỷ USD thì sang năm 2017 con số này đã tăng lên 8,3 tỷ USD.

Các sản phẩm xuất nhập khẩu giữa hai nước chủ yếu là xăng dầu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại. Ngoài ra, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả… nhưng thị phần không lớn.

Đáng lưu ý, đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam cũng liên tục tăng từ năm 1998. Tính đến hết năm 2017, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam (đứng thứ 3/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam) với hơn 1927 dự án, tổng vốn gần 42 tỷ USD. Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng.

Các Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Singapore, đã hoạt động được hơn 11 năm với 7 khu: VSIP 1 và VSIP 2 tại Bình Dương, VSIP 3 tại Bắc Ninh, VSIP 4 tại Hải Phòng, VSIP 5 tại Quảng Ngãi; VSIP 6 tại Hải Dương và VSIP 7 tại Nghệ An và đang xây dựng VSIP 8 tại Quảng Trị.

Đặc biệt, các dự án đầu tư của Singapore được đánh giá hiệu quả, triển khai nhanh, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu trong chuyển dịch kinh tế vùng miền của Việt Nam. Tháng 9/2016, hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập VSIP tại Bình Dương.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh, sác doanh nghiệp Việt Nam có các thế mạnh về sản xuất, với các sản phẩm về gạo, cà phê, chè, các loại rau quả và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, các sản phẩm nông sản của Việt Nam hiện có điểm yếu là khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa tốt.

Mặt khác, dù số lượng xuất khẩu lớn, song giá trị thu lại còn thấp do hạn chế về chất lượng sản phẩm cũng như chưa phát triển và xác lập được thương hiệu đối với người tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới.

Ngược lại, các doanh nghiệp Singapore lại có thế mạnh về khâu chế biến, đóng gói, gia tăng giá trị… và đặc biệt là có quan hệ về thị trường khá rộng rãi bởi đây là một trung tâm trung chuyển hàng hóa đi các nơi trên thế giới cùng với các thế mạnh về kinh nghiệm quản lý, chế biến và tiếp thị ra thị trường.

Theo ông Trần Thanh Hải, đây là những thế mạnh mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải khai thác và học hỏi để nâng cao trình độ. Đặc biệt, sau khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, điểm chính mà Việt Nam trông đợi đó là tiếp cận các thị trường khác thông qua Singapore.

Lực đẩy cho xuất khẩu

Đại diện các doanh nghiệp Singapore đều tỏ ra hài lòng khi hợp tác thương mại với Việt Nam và yên tâm khi thấy Việt Nam thường xuyên có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trong khu vực.

Cùng đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang có một loạt chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khiến các nhà kinh doanh yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp hy vọng sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác, bổ sung cho nhau để cùng nhau phát triển.

Theo các chuyên gia thương mại, Việt Nam đang tiếp tục đổi mới và có những bước chuyển mạnh mẽ; chủ động hội nhập quốc tế với việc ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán một số Hiệp định thế hệ mới khác.

Nhờ vậy, thị trường Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng của mạng liên kết kinh tế với 55 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Các định chế tài chính uy tín của thế giới cũng liên tục thăng mức xếp hạng về chỉ số môi trường kinh doanh, chỉ số tín nhiệm của Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam đang thúc đẩy khởi nghiệp, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với khu vực và toàn cầu. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Singapore, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.

Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục chuyển nhượng vốn đầu tư, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; khuyến khích các doanh nghiệp Singapore tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường toàn cầu.

Việt Nam cũng kỳ vọng các quỹ đầu tư, các tập đoàn từ Singapore nghiên cứu đầu tư vào các dự án đang hoạt động hoặc đề xuất các dự án mới theo Danh mục các dự án ưu tiên như: phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics, dịch vụ hàng không, du lịch, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, sinh học, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…

Tuy nhiên, để hướng tới sự cân bằng quan hệ thương mại song phương, Bộ Công Thương đề nghị Singapore tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm hàng nông - lâm - thủy sản, thực phẩm chế biến, da giày, đồ gỗ, vật liệu xây dựng xuất khẩu sang thị trường Singapore.

Mặt khác, khuyến khích doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam các lĩnh vực thiết yếu như: cơ sở hạ tầng; xử lý rác thải, quản lý nguồn nước, môi trường, năng lượng tái tạo, khí tự nhiên hóa lỏng.

Đặc biệt, mở rộng hợp tác về du lịch tàu biển, tăng cường hợp tác hàng không, mở thêm một số đường bay thẳng mới từ Singapore đến Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam và Singapore phải nâng cấp hiệu quả cơ chế hợp tác kinh tế hiện có, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước phát triển đầu tư kinh doanh vào thị trường của nhau.

Hơn nữa, cả hai bên cần tạo ra một cơ chế để hướng mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước sẽ đi theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm…

Không những thế, các doanh nghiệp cần cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp… để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu song phương giữa Việt Nam và Singapore trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục