Lực hút từ yếu tố không truyền thống

08:16' - 16/06/2020
BNEWS Tp.Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, “lót ổ” sẵn sàng đón các dòng đầu tư mới.

Với những thành công bước đầu trong việc ngăn chặn dịch COVID-19, cùng với những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nhất là trong bối cảnh Quốc hội vừa phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA), Tp. Hồ Chí Minh được các chuyên gia kinh tế đánh giá là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

*Tận dụng vị trí “địa lợi”

Thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tập trung khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế, ngay trong và sau dịch COVID-19, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thành phố vượt qua khó khăn, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, “lót ổ” sẵn sàng đón các dòng đầu tư mới.

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Tp. Hồ Chí Minh đạt 1,6 tỷ USD, bằng 57,7% tổng vốn so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có 450 dự án cấp mới với vốn đăng ký đạt 248,6 triệu USD; điều chỉnh vốn đầu tư có 80 lượt dự án với số vốn tăng thêm 122 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần có 1.923 trường hợp với tổng vốn gần 1.232 triệu USD.

Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu có nhà đầu tư vào thành phố với 44 dự án, thu hút vốn đầu tư 80,5 triệu USD, tiếp đến là Singapore có 70  dự  án với vốn đầu tư 50,8 triệu  USD; Hong Kong (Trung Quốc) có 37 dự án với vốn đầu tư 31,5 triệu USD; Hàn Quốc có 74 dự án với vốn đầu tư 16,4 triệu USD…

Thực tế trên cho thấy, trong thời điểm khó khăn, Tp. Hồ Chí Minh vẫn thu hút được rất nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Ban quản lý các Khu chế xuất – khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (Hepza), các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của thành phố đã có sự chuẩn bị để đón nhận làn sóng mới này.

Nhà xưởng ở các khu công nghiệp Tân Phú Trung, Đông Nam, Lê Minh Xuân 3... đang tích cực xây dựng, hoàn thiện để đón nhà đầu tư mới; trong đó, có nhiều khu nhà cao tầng phục vụ doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ cao.

“Từ đầu năm đến nay một số nhà đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu thông tin về việc thuê các khu đất có diện tích lớn trong các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố để chuẩn bị mặt bằng cho dự án đầu tư trong thời gian tới. Ngoài ra, một số doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ trong khu công nghệ cao cũng có xu hướng đầu tư các nhà xưởng cao tầng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất”, ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư của Hepza cho biết.

Để chuẩn bị sẵn quỹ đất nhằm thu hút đầu tư, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố rà soát các khu công nghiệp, khu chế xuất để tìm ra giải pháp tạo quỹ đất thu hút đầu tư, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ thành phố xây dựng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh với quy mô hơn 380 ha.

“Đây là khu công nghiệp có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”, ông Đức nhấn mạnh.

Về lâu dài, thành phố đẩy nhanh việc rà soát, chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ; trong đó, chú trọng đẩy nhanh đầu tư các dự án khu công nghiệp đã được Thủ tướng chấp thuận trong quy hoạch và tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch một số khu công nghiệp mới.

Mặt khác, tăng cường vai trò trung tâm của thành phố trong vùng Tp. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó, đẩy mạnh việc hợp tác với các địa phương trong kết nối thông suốt hệ thống hạ tầng giao thông.

*Phát huy yếu tố “thiên thời”

Cùng với cả nước, Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, sớm đưa các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Đây là yếu tố quan trọng, giúp Tp. Hồ Chí Minh trở thành một điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.

Việc Quốc hội vừa phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA đã mở ra nhiều cơ hội đón dòng đầu tư mới từ châu Âu đến Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng. Theo ông Chu tiến Dũng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ là trung tâm kết nối giao thương, phát triển và cung cấp các dịch vụ về tài chính, công nghệ và nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới.

Ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam đánh giá: “Cụ thể hơn, EVFTA tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ việc xuất khẩu các sản phẩm giá trị thấp sang hàng hóa có giá trị cao hơn như các thiết bị công nghệ cao, điện tử, xe cộ và y tế".

"Cách mạng thương mại toàn cầu sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với nhiều đối tác khác nhau, cho phép nhập khẩu đầu vào hoặc hàng hóa trung gian rẻ hơn, từ đó sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Ngoài ra, thông qua việc gia tăng mối quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài, Việt Nam có thể gặt hái những lợi ích của việc chuyển giao kiến thức và công nghệ đi kèm với các khoản đầu tư như vậy”, Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh xác định ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh kinh tế như công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ.

Theo đó, thành phố thu hút có chọn lọc các tập đoàn, công ty có quy mô lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao vào đầu tư. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp này.

Bên cạnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã thành lập tổ công tác liên ngành về đầu tư. Đây là Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng có nhiệm vụ hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp đến khi dự án được cấp phép hoạt động. Doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Tổ công tác. Tổ công tác đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 50% thời gian xử lý so với quy định.

Về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, thành phố nghiên cứu, đề xuất Trung ương cho phép thành phố một số đặc thù để thu hút đầu tư, các cơ chế mới không dựa vào yếu tố truyền thông để thu hút đầu tư (như ưu đãi về tiền sử dụng đất, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp) mà tạo ra sự thuận lợi hơn về luân chuyển các nguồn lực và dỡ bỏ hạn chế về thị trường.

Chẳng hạn như các cơ chế về thu hút nguồn lực lao động chất lượng cao từ nước ngoài đến thành phố làm việc; cơ chế cho phép thành phố thẩm quyền xét duyệt, chấp thuận các dự án đầu tư nước ngoài mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường hoặc các điều kiện mở cửa còn chặt; các cơ chế thông thoáng hơn về ngoại hối để thu hút các tập đoàn tài chính, các quỹ đầu tư và các ngân hàng nước ngoài về hoạt động…

Kết luận buổi làm việc với lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 5/2020 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, Tp. Hồ Chí Minh xác định hướng đi chính là công nghiệp công nghệ cao; đón bắt, tận dụng tốt cơ hội chuyển dịch sản xuất của các tập đoàn, chuỗi giá trị toàn cầu đến khu vực Đông Nam Á; tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị thành phố tập trung chiến lược thu hút FDI có chọn lọc phù hợp với định hướng phát triển; không thu hút bằng mọi giá, tận dụng hiệu quả những xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư mới sau dịch COVID-19. Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, kinh tế số để xứng tầm thành phố thông minh, đi đầu về ứng dụng công nghệ 4.0./.

>>>Bài 4: Tận dụng thời cơ, đón "sóng"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục