Lý do khiến nhu cầu dầu toàn cầu suy giảm

05:30' - 08/03/2024
BNEWS Một số người cho rằng sự suy giảm nhu cầu dầu hiện nay là do sự phục hồi kinh tế yếu, nhưng nhiều người khác coi đó là tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng và sự khởi đầu của kỷ nguyên mới.

Nhật báo Les Echos nhận định, bên cạnh những ý kiến trái ngược, có một điều chắc chắn là sự mất cân bằng giữa cung và cầu đang khiến giá dầu có xu hướng giảm.

Theo Les Echos, giá dầu hiện chưa đạt đỉnh, nhưng nhu cầu “vàng đen” toàn cầu đã có dấu hiệu suy yếu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thậm chí còn nhận định rằng nguồn cung, vốn không thực sự bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sẽ cao hơn nhu cầu về dầu trong năm nay. Điều này sẽ tiếp tục đẩy giá dầu đi xuống trên thị trường toàn cầu, bất chấp các rủi ro địa chính trị.

Trong báo cáo tháng 2/2024, IEA đã tiến hành sửa đổi dự báo về giá dầu. Cơ quan này ước tính trong năm nay, nhu cầu dầu dự kiến là 102,9 triệu thùng/ngày, tức là chỉ tăng 1,2 triệu thùng/ngày, trong khi mức tăng này của năm 2023 là 2,3 triệu thùng/ngày. Nhu cầu tăng chủ yếu chỉ ở một số quốc gia, đầu tiên là Trung Quốc, tiếp đến Ấn Độ và Brazil.

Về tổng thể, IEA cho rằng giai đoạn tăng trưởng sau đại dịch COVID-19 phần lớn đã kết thúc, quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra ở các nền kinh tế lớn sẽ nhanh chóng dẫn đến nhu cầu dầu giảm.

Tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, tuy ngành hóa dầu vẫn phát triển mạnh mẽ và tiếp tục giành thị phần trên toàn cầu, góp phần thúc đẩy nhu cầu lên cao. Nhưng sự yếu kém của quá trình phục hồi kinh tế, sự gia tăng của năng lượng tái tạo và sự phát triển của xe điện đã phần nào hạn chế xu hướng này.

Mặt khác, nguồn cung toàn cầu đang tăng lên. Sự gia tăng của các nhà sản xuất “mới” đã gây khó khăn cho những nỗ lực giảm sản lượng nhằm bình ổn giá của OPEC.

Theo IEA, sản lượng khai thác dầu của Mỹ, Brazil, Guyana và Canada dự kiến sẽ phá kỷ lục một lần nữa trong năm nay và điều này sẽ làm tăng nguồn cung dầu ngoài OPEC thêm 1,6 triệu thùng/ngày (so với mức tăng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm 2023).

Tổng cộng, nguồn cung dầu thế giới sẽ đạt 103,8 triệu thùng mỗi ngày, một con số được IEA điều chỉnh tăng lên, đặc biệt là do triển vọng ở Brazil và Guyana. Do đó, thị trường thế giới sẽ dư thừa trung bình 900.000 thùng/ngày.

Theo IEA, việc giá dầu tăng kể từ đầu năm (giá dầu Brent đã tăng 8% trong 1,5 tháng) chỉ là do một số tình huống. Báo cáo của IEA viết: “Điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã làm gián đoạn sản lượng khai thác hơn 900.000 thùng mỗi ngày ở Bắc Mỹ. Sự sụt giảm mạnh này trùng hợp với việc OPEC và các liên minh, còn gọi là OPEC+, tự nguyện tiếp tục cắt giảm sản lượng khoảng 300.000 thùng/ngày, dẫn đến nguồn cung dầu toàn cầu giảm mạnh 1,4 triệu thùng/ngày.

Các thị trường cũng tiếp tục tính đến phần bù rủi ro liên quan đến tình hình địa chính trị toàn cầu. Các sự cố ở Biển Đỏ khiến hoạt động hậu cần bị căng thẳng. Nhưng ngay cả khi các chi phí bổ sung liên quan đến việc chuyển hướng các con tàu chở hàng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng cũng ít ảnh hưởng đến giá cả thế giới.

Không chỉ có dự báo của IEA, công ty dầu khí Rystad Energy của Na Uy thậm chí còn ước tính rằng tình trạng dư thừa ở cấp độ toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn 2025-2027.

 
Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế, các chuyên gia của Rystad Energy nhận định: “Bằng cách kết hợp việc bổ sung nguồn cung với nhu cầu không chắc chắn và giả định rằng OPEC + từ bỏ việc cắt giảm nguồn cung vào năm 2025, trữ lượng toàn cầu 2 triệu thùng mỗi ngày có thể tăng lên trong giai đoạn 2025-2027”. Họ cho rằng đến lúc đó, hai kịch bản sẽ có thể xảy ra, hoặc là nguồn cung sẽ giảm, hoặc giá sẽ phải giảm.

Chỉ có OPEC là ngược lại, tổ chức này cho rằng nhu cầu dầu sẽ không giảm trong trung hạn. Các nước xuất khẩu dầu tiếp tục khẳng định nhu cầu toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng với tốc độ tương đương năm ngoái, đạt 104,4 triệu thùng/ngày. Ngụ ý rằng họ sẽ phải nới lỏng hạn ngạch sản xuất...

OPEC giải thích: “Một sự điều chỉnh tăng nhẹ trong dự báo của Mỹ, do triển vọng kinh tế được cải thiện, sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu dầu mỏ”, tổ chức này trong những tháng gần đây có xu hướng đánh giá thấp dự báo về sản lượng của các đối thủ cạnh tranh.

Để giữ giá dầu ở mức cao, các thành viên OPEC, dẫn đầu là Saudi Arabia, quốc gia chiếm khoảng một nửa trong số 2,2 triệu thùng dầu được khai thác mỗi ngày, cùng với Nga đã tái khẳng định cam kết cắt giảm sản lượng trong năm nay.

Nga đã công bố về việc tự nguyện cắt giảm sản lượng dự kiến sẽ tăng lên mức 471.000 thùng/ngày vào cuối tháng 6/2024. Đồng thời, các thành viên OPEC cũng đã đồng ý gia hạn quyết định cắt giảm được công bố vào tháng 11/2023. Kuwait, Algeria và Oman cũng gia hạn cắt giảm sản lượng.

Theo ngân hàng JP Morgan, OPEC+ có thể cân nhắc việc tăng sản lượng trở lại tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 1/6 tới. Có nhiều lý do để giải thích động thái này. Việc cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC khiến thị trường thế giới phải hấp thụ nhiều dầu hơn từ nguồn dầu đá phiến của Mỹ. Suy thoái kinh tế ở châu Âu và Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại về triển vọng tăng nhu cầu.

Cơ quan xếp hạng Fitch nhận định, Nga, hiện đang mắc kẹt trong cuộc xung đột với Ukraine, cũng cần nguồn tài chính dồi dào từ hydrocarbon để tài trợ cho cuộc xung đột. Về phần mình, Saudi Arabia cần giá dầu vượt quá 90 USD/thùng để cân bằng ngân sách, trong khi chính phủ đã nhân rộng các dự án khổng lồ trong lĩnh vực du lịch nói riêng.

Các chính sách hạn chế nguồn cung này phần nào đã mang lại kết quả, được hỗ trợ bởi sự trỗi dậy của các rủi ro địa chính trị trong những tháng gần đây, từ cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đến các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào giao thông hàng hải ở Biển Đỏ. Giá một thùng dầu thô Mỹ dao động ở mức 80 USD/thùng vào tuần trước, trong khi giá một thùng dầu Brent vượt quá 83,5 USD, cả hai đều ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2023.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục