Lý do kinh tế Trung Quốc không thể vượt Mỹ vào năm 2050

06:30' - 01/03/2021
BNEWS Tạp chí Newsweek Japan cho rằng có nhiều yếu tố khiến kinh tế Trung Quốc không thể vượt qua Mỹ vào năm 2050.

Mặc dù có nhiều ý kiến dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để tiến đến vị trí số 1 thế giới trong tương lai gần, nhưng khi tính đến yếu tố cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động và năng suất lao động thì cũng xuất hiện quan điểm cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ mãi mãi đứng ở vị trí thứ hai.

Theo công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics có trụ sở tại London, nhiều khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ chưa thể vượt qua Mỹ vào năm 2050 và tiếp tục duy trì vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Báo cáo đánh giá của công ty này đã đảo ngược những quan điểm chung cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt qua nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ.

Capital Economics chỉ ra rằng kinh tế Trung Quốc sẽ không tăng trưởng ổn định giống như Mỹ và một trong những lý do là lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ giảm hơn 0,5% mỗi năm cho đến năm 2030. 

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, lực lượng lao động Mỹ được hỗ trợ bởi tỷ lệ sinh cao và nguồn lao động nhập cư, và có thể sẽ tiếp tục tăng lên trong 30 năm tới. 

Báo cáo có đoạn: “Do năng suất lao động tăng chậm và suy giảm dân số trong độ tuổi lao động, khả năng cao kinh tế Trung Quốc không thể vượt qua Mỹ”.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra nhận định rằng, mối quan hệ sức mạnh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng năng suất, xu hướng lạm phát và tỷ giá hối đoái. Nếu Trung Quốc không vượt qua Mỹ vào giữa những năm 2030 thì "nước này sẽ mãi mãi ở lại phía sau".

Thậm chí, báo cáo cũng cho rằng, ngay cả khi Trung Quốc vượt qua Mỹ, nước này có thể phải vật lộn để duy trì vị thế của mình. Mặc dù vậy, hoạt động sản xuất của người lao động tại Trung Quốc sẽ tăng trưởng nhanh hơn Mỹ sau năm 2030 và khoảng cách thu nhập giữa hai nước sẽ tiếp tục thu hẹp.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics, đồng thời cũng là tác giả báo cáo này Mark Williams, yếu tố đang làm làm giảm tăng trưởng của Trung Quốc đó chính là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang triển khai chính sách hạn chế các nỗ lực mở cửa nền kinh tế.

Chuyên gia Mark Williams chia sẻ rằng: "Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tương lai và việc vượt qua Mỹ chỉ là vấn đề thời gian. Theo tôi, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong thập kỷ qua và có khả năng tiếp tục chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng năng suất đang giảm. Đến năm 2030, kinh tế Trung Quốc có thể tiếp cận Mỹ song không thể thể vượt qua”.

Chuyên gia Williams cũng cho rằng "những cơn gió ngược" sẽ tiếp tục cản trở nền kinh tế Trung Quốc. Ngay cả khi Trung Quốc đang ở đỉnh cao phát triển thì xu hướng sụt giảm cơ cấu dân số độ tuổi lao động sẽ đẩy lùi tăng trưởng kinh tế của nước này.

Năm 2020, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách GDP với Mỹ khi quy mô nền kinh tế đạt 14.700 tỷ USD, tăng thêm 2,3%. Theo kênh truyền hình CNBC, khoảng cách GDP giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thu hẹp đáng kể từ mức 7.100 tỷ USD năm 2019 xuống mức 6.200 tỷ USD năm 2020.

Theo báo cáo ước tính sơ bộ của Cục Phân tích Kinh tế (BEA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố vào tháng 1/2021, GDP của Mỹ đã giảm 2,3% trong năm 2020, xuống mức 20.930 tỷ USD.

Một phân tích khác được công bố vào tháng trước cho biết, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ lớn hơn so với ảnh hưởng đối với Trung Quốc. Do đó, GDP của Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ sớm hơn dự kiến. Tập đoàn Nomura cũng cho rằng kinh tế Trung Quốc có thể vượt Mỹ vào năm 2028.

Tuy nhiên, Alicia Garcia Herero, kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Natixis - một ngân hàng đầu tư của Pháp, lại đồng ý quan điểm cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đi sau Mỹ. Giải thích về nhận định này, chuyên gia Garcia Herero cho rằng tăng trưởng GDP thực tế trung bình của Trung Quốc chỉ có thể duy trì ở mức 2,5% sau năm 2035.

Điều này có nghĩa Trung Quốc có khả năng sẽ chấm dứt nỗ lực theo đuổi Mỹ và tìm kiếm con đường giá trị khác. Bà Garcia Herero cũng nhấn mạnh thêm, suy giảm lực lượng lao động là một nguyên nhân, tuy nhiên, một yếu tố quan trọng khác cũng cần phải đề cập đến là tác động từ năng suất lao động sụt giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục