Lý do quy định nồng độ cồn với người điều khiển ô tô là 0

18:41' - 09/01/2020
BNEWS Riêng về giao thông, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 36,2% tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia trong những vụ do nam giới gây ra.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Đây là chính sách được người dân chú ý đặc biệt và có tác động trực tiếp tới đời sống xã hội. Tuy nhiên vẫn còn những ý kiến băn khoăn với các quy định mới này, đặc biệt là việc ăn hoa quả, đồ uống có ga cũng có thể lên nồng độ.
Để có được những góc nhìn toàn diện, khách quan nhất, đồng thời tuyên truyền cách sử dụng rượu bia văn minh và cách tham gia giao thông đảm bảo an toàn, chiều 9/1, tại Hà Nội, Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Những quy định mới trong phòng chống tác hại của rượu bia và tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông”.
Mở đầu buổi tọa đàm, bà Trần Thị Xuân Hằng, đại diện Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia ngoài nội dung nghiêm cấm sử dụng rượu bia khi lái xe còn có nhiều nội dung mới như: nước hoa quả lên men cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Những sản phẩm mà giới trẻ dùng nhiều như nước hoa quả lên men có nồng độ cồn tương đương lên men sẽ được điều chỉnh như rượu bia.
“Về cơ sở của đề xuất và ban hành Luật này, trước hết là xuất phát từ thực trạng sử dụng rượu bia. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ sử dụng rượu bia thuộc hàng cao nhất thế giới. Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ sử dụng rượu bia bình quân đầu người từ 6,6 lít tăng lên 8,3 lít. Việt Nam là nước có tốc độ sử dụng rượu bia ở mức nguy hại tương đối lớn, gần 45%”, bà Hằng thông tin.
Cũng theo bà Hằng, rượu bia là nguyên nhân của 30 bệnh và là cấu thành của 200 mã bệnh. Cùng đó là tác hại về kinh tế, xã hội. Riêng về giao thông, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 36,2% tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia trong những vụ do nam giới gây ra. Đó là chưa nói đến thiệt hại về xã hội, mối quan hệ xã hội, bạo lực gia đình…
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, quy định bắt buộc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không được uống rượu bia được đưa vào khoản 7 Điều 5 của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia khi đưa ra Quốc hội để trình bày báo cáo thẩm tra trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì nhận được sự đồng thuận rất cao.
“Có thể nói, ngay khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, lực lượng công an, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông vào cuộc rất quyết liệt. Có những người chống đối người thi hành công vụ rất gay gắt, nhưng lực lượng công an đã rất kiên quyết. Mừng nhất, ngay 6 ngày sau khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia thông tin, so với 6 ngày này năm trước, mỗi ngày chúng ta giảm 4 vụ tai nạn giao thông chết người”, ông Lợi cho biết.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, Nghị định 100/2019/NĐ-CP tăng nặng mức phạt một số hành vi vi phạm; trong đó, có nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; đi không đúng phần đường, làn đường, chiều đường; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển...
Với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.
Về ý kiến cho rằng, việc mức phạt tăng quá cao khiến nhiều người tham gia giao thông bị “sốc”, ông Hoàng Thế Tùng cho rằng nhiều hành vi vi phạm trong Nghị định 100/NĐ-CP đã được quy định trong các văn bản trước, sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn. Nghị định này cũng bổ sung một số hành vi phát sinh trong thực tiễn.
Là lực lượng nòng cốt xử lý các vi phạm giao thông, thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Thành phố Hà Nội) nhìn nhận: Cùng với mức phạt nặng liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, hành vi không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt từ 200.000 – 300.000 đồng, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông bị phạt từ 600 – 1 triệu đồng... Xe ô tô đi sai làn đường, vượt đèn đỏ phạt từ 3 – 5 triệu đồng... Những mức phạt này đều tăng nặng hơn rất nhiều so với trước đây.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng nhận xét, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ra đời đã tác động rất lớn đến đa số người tham gia giao thông. Nghị định này sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP, như vậy đây không phải là văn bản mới mà là văn bản sửa đổi bổ sung văn bản đã được thực hiện nhiều năm trước đây. Mặc dù mới thực hiện 7 ngày nhưng đi đến đâu người dân cũng đã nhớ được quy định.
Với tư cách một người tham gia giao thông, anh Lê Hồng Tuân chia sẻ, thực tế ai cũng thấy rõ tác hại của rượu - bia nhưng nhiều người trên mạng xã hội cũng bày tỏ sự băn khoăn. Chẳng hạn như việc ăn hoa quả hay chỉ ăn một chút giấm bỗng cũng có thể có nồng độ cồn và bị phạt. “Tôi nghĩ Luật làm ra phải có tính dự báo để phù hợp với thực tế, đi vào cuộc sống chứ để người dân phàn nàn việc ăn hoa quả, giấm bỗng cũng có thể bị thổi phạt và dẫn đến cự cãi cảnh sát giao thông thì không hay lắm”, ông Lê Hồng Tuân băn khoăn.
Về ý kiến cho rằng vì sao luật lại đưa ra mức quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô là 0 chứ không phải con số khác, về vấn đề này bà Trần Thị Xuân Hằng, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) giải thích, trong quá trình xây dựng Luật, ban soạn thảo đã tham khảo quy định quốc tế và hiện có hơn 30 nước cấm sử dụng rượu bia hoàn toàn…
“Khi Chính phủ trình phương án, nhiều đại biểu quốc hội lựa chọn phương án nghiêm cấm việc người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Riêng nội dung này đã phải bỏ phiếu 2 lần để đi đến thống nhất. Việc đưa ra quy định này hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế, phù hợp với thực tiễn thực thi pháp luật tại Việt Nam trong thời gian qua”, bà Trần Thị Xuân Hằng thông tin.
Để giải đáp thắc mắc của người dân về việc ăn hoa quả cũng có nồng độ cồn, Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, tại thủ đô khi cảnh sát giao thông ra quân xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, trong 7 ngày đã xử lý 84 trường hợp, 18 trường hợp xử phạt kịch khung. Hiện tại, thành phố Hà Nội chưa có trường hợp nào phản ứng lại khi bị phát hiện có nồng độ cồn mà cho rằng "tôi uống siro" hay "ăn hoa quả".
“Người dân hoàn toàn có quyền thổi lại nồng độ cồn lần thứ 2 nếu có yêu cầu và muốn chứng minh "tôi không uống rượu bia’’, ông Đào Việt Long, khẳng định./.

>> Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đẩy mạnh thực hiện Nghị định 100

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục