Lý do Trung Quốc đánh mất vị thế thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc

05:30' - 10/06/2023
BNEWS Trung Quốc vốn từng được xem là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hàn Quốc trong gần hai thập kỷ hiện đang phải đối mặt với một thách thức trực tiếp liên quan đến vị thế lâu đời này của Bắc Kinh.

Tờ nhật báo The Korea Herald nhận định, Trung Quốc vốn từng được xem là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hàn Quốc trong gần hai thập kỷ hiện đang phải đối mặt với một thách thức trực tiếp liên quan đến vị thế lâu đời này của Bắc Kinh.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), tỷ trọng của thị trường Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm dần từ 26,8% (năm 2018) xuống còn 22,8% vào năm 2022. Chỉ tính riêng trong quý I/2023, con số này cũng đã tiếp tục giảm còn 19,5%.

Một báo cáo của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) công bố ngày 6/6 cũng cho thấy sự sụt giảm lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã kéo dài 12 tháng liên tiếp kể từ tháng 6/2022. Cán cân thương mại của Trung Quốc luôn thâm hụt trong giai đoạn này, ngoại trừ xuất siêu 600 triệu USD vào tháng 9/2022.

Theo MOTIE, chỉ tính riêng tháng 1/2023, xuất khẩu hàng tháng của Hàn Quốc sang thị trường Trung Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 10 tỷ USD sau 3 năm và chỉ đạt 9,2 tỷ USD. Kể từ thời điểm đó, số liệu xuất khẩu hàng tháng của Hàn Quốc sang Trung Quốc dao động quanh mức 10 tỷ USD. Xuất khẩu sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2023 của Hàn Quốc cũng chỉ đạt 49,7 tỷ USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2022 (với 68,4 tỷ USD).

Trong quý đầu tiên của năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc sang thị trường Trung Quốc đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, các mặt hàng như chất bán dẫn giảm 44,6%, sản phẩm dầu mỏ giảm 20,6%, hóa dầu giảm 26,2%, thép giảm 23,9%, phụ tùng ô tô giảm 34,0%, màn hình tăng 52,8% và pin thứ cấp tăng 38,7%. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc cũng đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể (29,6%) trong xuất khẩu hàng hóa trung gian ngay trong quý đầu tiên của năm 2023.

Một số chuyên gia trong ngành nhận thấy rằng sự thay đổi này phản ánh mô hình tăng trưởng của Hàn Quốc - liên quan đến việc bán hàng hóa trung gian (như chất bán dẫn) cho Trung Quốc và hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế - đã đạt đến giới hạn. Khi xuất khẩu hàng hóa trung gian của Trung Quốc giảm, thị trường cho những hàng hóa này ở Mỹ, Ấn Độ, Australia và các nước khác đang được mở rộng.

Trong quý I/2023, xuất khẩu hàng hóa trung gian sang Trung Quốc đã giảm đáng kể (29,6%) dẫn đến sự sụt giảm chung trong xuất khẩu hàng hóa trung gian. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trung gian sang thị trường Mỹ đã tăng 13,6%, đánh dấu mức tăng 1,7 điểm phần trăm kể từ năm 2021. Ngoài ra, các quốc gia như Ấn Độ và Australia cũng có tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trung gian tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Một quan chức của KITA (không công bố danh tính) cho rằng những thay đổi này là cần thiết. Ông nói: “Nguyên nhân chính của sự suy giảm cán cân thương mại gần đây là do xuất khẩu giảm - đặc biệt là do tác động đáng kể của việc giảm xuất khẩu sang Trung Quốc-chứ không phải do nhập khẩu tăng. Do đó, việc tích cực tìm kiếm giải pháp ngày càng trở nên quan trọng". 

Ngoài ra, theo KITA, những thay đổi này trên thị trường xuất khẩu có thể là do nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm sau tác động của COVID-19 khiến nhu cầu giảm cũng như việc Trung Quốc tăng cường khả năng “tự cung tự cấp” trong sản xuất hàng hóa trung gian. 

Trong khi đó, Mỹ hiện đang nổi lên là quốc gia thay thế vị trí lâu nay của Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc. Chỉ tính riêng trong quý I/2023, Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại 7,2 tỷ USD với Mỹ, trong đó phải kể đến sự gia tăng xuất khẩu ở một số mặt hàng, bao gồm: sản phẩm dầu mỏ (30,5%), hóa dầu (24,7%), thép (26,6%), phụ tùng ô tô (16,2%), pin thứ cấp (50%) và sản phẩm nhựa (15,9%). 

Trong tháng 4/2023, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ đạt 9,184 tỷ USD, chỉ kém 330 triệu USD so với xuất khẩu sang Trung Quốc (với 9,517 tỷ USD). Ngoài ra, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ trong một năm qua cũng đã duy trì mức trung bình 9 tỷ USD/tháng. 

Ngoài ra, các thị trường khác mà Hàn Quốc hiện ghi nhận xuất siêu ngay trong quý đầu tiên của năm 2023 bao gồm: Việt Nam (5,7 tỷ USD); Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Trung Quốc (4,1 tỷ USD); Ấn Độ (2,8 tỷ USD) và Thổ Nhĩ Kỳ (2,1 tỷ USD)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục