Lý giải việc cần luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh xuyên tâm Hà Nội

19:54' - 06/12/2024
BNEWS Hà Nội đang sắp xếp luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh theo phương án phân luồng xe đến từ hướng nào sẽ vào bến đầu tiên của hướng đấy.
Việc quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội như vậy rất cần thiết và bắt buộc. Đây là ý kiến của đa số các đại biểu tại tọa đàm "Quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội: Giữ hay bỏ?" do Báo Giao thông tổ chức ngày 6/12.

Quy định về luồng tuyến vận tải đã được đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và được tiếp tục cụ thể hoá tại Nghị định số 41/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

 
Theo ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, Nghị định 41 đã phân cấp cụ thể cho địa phương, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý vận tải của từng tỉnh thành, cũng như giúp các tuyến vận tải cố định tiếp cận các tuyến xe phù hợp, dễ dàng nhất.

"Câu hỏi đặt ra có cần bắt buộc thực hiện quy định luồng tuyến vận tải hay không? Tôi khẳng định là có. Đó là đặc thù, đặc trưng nhất của vận tải tuyến cố định liên tỉnh. Thực tế 8 năm qua, việc điều chỉnh được đánh giá đã đạt hiệu quả cao. Tất nhiên, điều này sẽ tác động nhất định đến hoạt động của các doanh nghiệp nhưng đó là tất yếu và phân luồng tuyến là việc cần phải làm", Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải nói.

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá, sau khi thực hiện điều chỉnh luồng tuyến, tình hình trật tự an ninh trật tự tốt hơn.

Chia sẻ lý do diều chuyển tuyến phía Nam từ Mỹ Đình ra Giáp Bát và ngược lại, Trưởng phòng Quản lý vận tải cho biết, khi vành đai 3 chưa mở, chỉ khu vực này là đường vành đai. Nhưng khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây, vành đai 3 lại là đường xuyên tâm qua thành phố. Từ 2008 trở đi, lưu lượng lưu thông qua khu vực tăng nhanh, dẫn tới ùn tắc giao thông.

"Hà Nội muốn điều chuyển để giảm ùn tắc giao thông và cơ bản đã đạt được mục đích. Việc bố trí xe tại Hà Nội hoàn toàn tuân thủ các quy định của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải", Trưởng phòng Quản lý vận tải cho biết thêm.

Theo ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, việc Hà Nội tổ chức vận tải theo hướng tuyến từ cuối năm 2016 đã cho thấy tác dụng rất tốt, là cách làm khoa học, đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn, giảm ùn tắc giao thông. Ngoài Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, các bến xe Miền Đông, Miền Tây đến nay đều phục vụ theo hướng tuyến và các tỉnh thành khác cũng thực hiện theo hướng này.

Hiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ năm 2024 đang được trình Chính phủ, quy định luồng tuyến vận tải cũng được đề cập nhằm giữ sự ổn định để các doanh nghiệp đầu tư, khai thác ổn định các tuyến vận tải./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục