M&A đang là xu hướng của đường sắt thế giới

10:17' - 01/05/2019
BNEWS Xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ tiếp tục là một đặc điểm nổi bật trong ngành đường sắt thế giới.

Trước xu hướng tự do hóa ngày càng gia tăng, sự cạnh tranh trên thị trường cũng như nhu cầu của hành khách thay đổi, các công ty đường sắt và các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) cần phải có một cái nhìn rõ ràng và nhanh nhạy về các cơ hội, nguy cơ và các thách thức đang đón đợi trong tương lai. Và sau đây là những xu hướng được cho là sẽ chi phối ngành đường sắt thế giới trong năm 2019.

Xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ tiếp tục là một đặc điểm nổi bật trong ngành đường sắt thế giới. Tốc độ và quy mô gia tăng của các thương vụ M&A cho thấy ngành đường sắt đang hướng đến sự hợp nhất ngày càng sâu rộng hơn.

Trong môi trường bị phân mảnh như trước đây, các công ty đường sắt nhận thấy rằng lợi ích và sự đổi mới của họ trong ngành này có thể sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ nếu gia tăng hội nhập theo chiều dọc hoặc chiều ngang trong chuỗi cung ứng của mình.

Theo đó, nhu cầu tiêu chuẩn hóa và phối hợp hài hòa các nền tảng tài sản, việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng và mở rộng sự hiện diện trên toàn cầu được xem là ba trong số những động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động M&A trong ngành.

Ngành đường sắt lâu nay vẫn được coi là một trong số những “xương sống” đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế của các nước, vì thế những thương vụ M&A trong ngành này thường sẽ phải chịu sự can thiệp ngày càng gia tăng từ các cơ quan quản lý hay các ủy ban về cạnh tranh.

Bên cạnh xu hướng sáp nhập thì số hóa cũng nổi lên như một động lực quan trọng cho sự đổi mới trong ngành đường sắt thế giới.

Qua đó, nó đem lại những cơ hội lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện độ tin cậy của cơ sở vật chất và tăng cường chất lượng trải nghiệm cho hành khách và giúp cắt giảm chi phí.

Xu hướng áp dụng những công nghệ như vạn vật kết nối Internet (Internet of Things - IoT), công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (AR/VR) đang trên đà tăng.

Và sự quan tâm đến các loại tàu thông minh và đường sắt kết nối cho thấy tốc độ áp dụng các công nghệ số hóa này sẽ tiếp tục tăng lên từ năm 2019.

Một báo cáo của Cisco cho thấy khoảng 30 tỷ USD sẽ được chi cho các dự án IoT trong lĩnh vực đường sắt trong 12 năm tới.

Phạm vi áp dụng công nghệ trong ngành này là không giới hạn, từ hệ thống thông tin hành khách, quy trình sản xuất cho đến hoạt động bảo trì bảo dưỡng hay hệ thống cảnh báo tai nạn.

Ngoài ra, sự gia tăng đầu tư vào ngành đường sắt của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng là một xu hướng chi phối sự phát triển của ngành đường sắt thế giới.

Dân số và xu hướng đô thị hóa ngày càng gia tăng ở khu vực này đã làm tăng nhu cầu mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt hiện tại.

Đường sắt hiện là phân khúc giao thông lớn thứ ba ở châu Á – Thái Bình Dương và ngành này đã ghi nhận mức tăng cao nhất về số lượng vé đặt trực tuyến trong năm 2017.

Chính phủ các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang chủ động đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng đường sắt trong 20 năm tới.

Điển hình là dự án tuyến đường sắt xuyên Á kết nối Côn Minh (Trung Quốc) – Singapore và đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nối Singapore và Kuala Lumpur. Chiều dài mạng lưới đường sắt ở Singapore được dự đoán sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030.

Hệ thống tàu điện ngầm và hệ thống vận tải trong thành phố hiện là trung tâm trong những giải pháp giao thông ở các nền kinh tế mới nổi.

Tại Ấn Độ, sự kết nối trong hệ thống tàu điện ngầm ngày càng nhận được nhiều quan tâm. Bộ Tài chính nước này đã phê chuẩn các dự án trị giá hàng tỷ USD cho các thành phố ở miền Bắc và miền Trung nước này.

Với những cơ hội như vậy, chắc hẳn các công ty sản xuất, các công ty OEM và các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật chuyên nghiệp sẽ tập trung vào khu vực này trong những năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục