Malaysia lần đầu tiên phát hành trái phiếu Hồi giáo sukuk bền vững

07:04' - 22/04/2021
BNEWS Bloomberg dẫn lời một chuyên gia tài chính giấu tên cho hay, quốc gia Đông Nam Á này đang tiếp thị chứng khoán tài chính Hồi giáo mệnh giá bằng USD với kỳ hạn 10 năm và 30 năm.

Theo hãng tin Bloomberg, Malaysia bắt đầu chào bán trái phiếu Hồi giáo sukuk bền vững lần đầu tiên, theo đó gia nhập danh sách ngày càng dài các quốc gia phát hành trái phiếu để huy động tài chính cho các dự án môi trường.

Bloomberg dẫn lời một chuyên gia tài chính giấu tên cho hay, quốc gia Đông Nam Á này đang tiếp thị chứng khoán tài chính Hồi giáo mệnh giá bằng USD với kỳ hạn 10 năm và 30 năm.

Theo chuyên gia này, kỳ hạn ngắn hơn là một hình thức chào bán bền vững. Ông cũng tiết lộ thêm, loại hình sukuk mới này có thể được định giá ngay trong ngày 21/4.

Theo số liệu từ BloombergNEF, việc phát hành các khoản vay bền vững đã tăng 29% trong năm 2020, đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD.

Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho biết, Indonesia đã bán cổ phiếu xanh (cổ phiếu dành cho các dự án môi trường) theo các nguyên tắc Hồi giáo vào năm 2018, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành loại hình chứng khoán này.

Chuyên gia Winson Phoon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về thu nhập cố định tại Maybank Kim Eng Securities (Singapore) nhận định, nhu cầu đối với các dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) hoặc trái phiếu bền vững tiếp tục tăng trong khi nguồn cung vẫn còn hạn chế. Ông cho rằng việc thêm gắn thêm nhãn “bền vững” sẽ giúp mở rộng hơn cơ sở đầu tư.

Malaysia cũng là nhà phát hành không thường xuyên trên thị trường nợ nước ngoài và lần gần nhất nước này bán trái phiếu chính phủ bằng đồng USD diễn ra vào năm 2016.

Giống như các chính phủ trên toàn cầu, quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã công bố gói kích thích trị giá 20 tỷ RM (gần 5 tỷ USD), bao gồm giảm giá điện, giảm thuế và viện trợ tiền mặt cho người nghèo.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 3/2021, Ngân hàng Trung ương Malaysia dự báo GDP của nước này có thể tăng 6-7,5% vào năm 2021.

Con số này giảm nhẹ so với dự báo trước đó là 6,5-7,5%, song vẫn cao hơn so với nhiều quốc gia láng giềng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục