Malaysia nổi lên là quốc gia dẫn đầu khu vực về kỹ thuật số

11:26' - 18/12/2024
BNEWS Năm 2024 là một năm thành công trong phát triển công nghệ của Malaysia khi các công ty công nghệ toàn cầu đã cam kết hoặc mở rộng các khoản đầu tư kỷ lục lên tới 16,9 tỷ USD.
Malaysia đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đánh dấu bằng các khoản đầu tư kỷ lục và triển khai các chính sách định hình lại hệ sinh thái công nghệ và kỹ thuật số.

 

Năm 2024 là một năm thành công trong phát triển công nghệ của Malaysia khi các công ty công nghệ toàn cầu bao gồm Amazon Web Services (AWS), Google và Microsoft đã cam kết hoặc mở rộng các khoản đầu tư kỷ lục lên tới 16,9 tỷ USD, qua đó củng cố thêm vị thế của Malaysia là điểm đến hàng đầu về tăng trưởng dựa trên công nghệ.

AWS đã công bố cam kết đầu tư 6,2 tỷ USD để thành lập Khu vực AWS khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Malaysia. Đây là một phần trong cam kết hợp tác đến năm 2038 của AWS. Khoản đầu tư này dự kiến sẽ đóng góp 12,1 tỷ USD vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Đông Nam Á này vào năm 2038 và tạo thêm 3.500 việc làm mỗi năm.

Ngoài AWS, kể từ tháng 12/2023, một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Nvidia, Google, Microsoft, Infineon đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Malaysia. Trong số đó, Microsoft, vào tháng 5/2024, đã công bố khoản đầu tư 2,2 tỷ USD vào lĩnh vực điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) trong 4 năm. Cùng tháng, Google cũng đã công bố khoản đầu tư 2 tỷ USD nhằm phát triển trung tâm dữ liệu tại Malaysia. Theo ước tính của chính phủ, khoản đầu tư của Google sẽ hỗ trợ tạo 26.500 việc làm vào năm 2030 trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tài chính.

Ngày 8/8, Tập đoàn Enovix có trụ sở tại Mỹ đã thành lập nhà máy sản xuất pin hiệu suất cao tại Malaysia và có kế hoạch đầu tư 1,2 tỷ USD trong 15 năm. Tổng cộng, Malaysia đã nhận được cam kết đầu tư lên tới 14,7 tỷ USD từ các công ty công nghệ Mỹ.

Tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức ở Peru vào tháng 11/2024, đại diện tập đoàn Google và Microsoft đã đánh giá cao nỗ lực của Malaysia trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng lộ trình AI. Phó Chủ tịch phụ trách chính sách công của Google, ông Karan Bhatia, nhấn mạnh, cách tiếp cận chiến lược của Malaysia đối với lĩnh vực AI là yếu tố chính thúc đẩy Google ra quyết định đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch, phụ trách về dữ liệu và AI của Microsoft, ông Zia Mansoor, đã đánh giá chính sách phát triển AI của chính phủ Malaysia, đặc biệt là việc ban hành Lộ trình trí tuệ nhân tạo (AI).

Nền kinh tế số của Malaysia dự kiến sẽ đạt tổng giá trị hàng hóa là 31 tỷ USD vào năm 2024, tăng 16% so với năm 2023. Trong nửa đầu năm 2024, sáng kiến Kỹ thuật số Malaysia do Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC) dẫn đầu đã đạt được nhiều thành công lớn. Cụ thể, Malaysia đã phê duyệt tổng cộng 14,87 tỷ USD để đầu tư vào các dự án kỹ thuật số, vượt qua tổng số tiền được ghi nhận trong cả năm 2023 và tạo thêm 25.498 việc làm có tay nghề cao.

Về xuất khẩu kỹ thuật số, tính đến tháng 6/2024, các chương trình hợp tác và kết nối kinh doanh của MDEC, với sự tham gia của 228 công ty tại 11 quốc gia, đã mang lại các cơ hội xuất khẩu trị giá hơn 440 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023.

Vào ngày 2/1/2024, Chính phủ Malaysia đã ra mắt Trung tâm cơ sở dữ liệu trung ương (PADU) nhằm lưu trữ dữ liệu an toàn và đưa ra các phân tích chính xác hơn. Trong khi đó, vào ngày 28/5, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim đã công bố Chiến lược bán dẫn quốc gia nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ. Theo chiến lược này, Malaysia dự kiến sẽ thu hút ít nhất 112,31 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn đầu.

Ngoài ra, Chính sách Đám mây Quốc gia dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp, củng cố lòng tin của người dùng và triển khai các biện pháp bảo mật dữ liệu. Chính phủ Malaysia cũng đặt mục tiêu đưa Malaysia trở thành trung tâm AI ở khu vực. Chính sách này cùng các khoản đầu tư từ các đối tác công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Malaysia xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn diện.

Trong thời gian tới, chính quyền của Thủ tướng Anwar đã đề xuất phân bổ 2,25 triệu USD cho Văn phòng AI quốc gia và tăng kinh phí nghiên cứu và phát triển lên tới 134,77 triệu USD trong Ngân sách 2025.

Chính phủ Malaysia cũng phân bổ 11,23 triệu USD để nâng cao chất lượng giáo dục liên quan đến AI tại các trường đại học nghiên cứu. Trong khi đó, đại học Công nghệ Malaysia nhận được ngân sách 4,49 triệu USD để xây dựng các chương trình đào tạo kỹ sư trong lĩnh vực điện và điện tử.

Những sáng kiến này nhấn mạnh cam kết của chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghệ mới, trong đó có bán dẫn. Với việc tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư lớn, Bộ Kỹ thuật số tin tưởng rằng, nền kinh tế kỹ thuật số của Malaysia sẽ đạt được hoặc thậm chí vượt qua mục tiêu đóng góp 25,5% vào GDP của Malaysia vào cuối năm 2025.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục