Mặt trái của các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga (Phần 2)

06:30' - 01/03/2022
BNEWS Đòn trừng phạt nặng nề vào nền kinh tế Nga cũng là “con dao hai lưỡi” với nguy cơ tạo ra những tác động tiêu cực ngoài mong đợi đối với các nước châu Âu nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.

Giới chuyên gia cho rằng đòn trừng phạt nặng nề vào kinh tế Nga cũng là “con dao hai lưỡi” với nguy cơ tạo ra những tác động tiêu cực ngoài mong đợi đối với các nước châu Âu nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.

Dường như nhóm thận trọng trong EU, bao gồm Đức, đã điều chỉnh chính sách trước sức ép ngày càng tăng của dư luận quốc tế yêu cầu có biện pháp cứng rắn đối với Nga.

Phía EU ban đầu cũng đặt mục tiêu loại bỏ Nga khỏi hệ thống SWIFT như một giải pháp cuối cùng và thăm dò khả năng đàm phán, tuy nhiên, ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ vô ích nếu Nga hoàn tất chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Đức, với tư cách là nước phụ thuộc vào 50% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, sẽ đối mặt với vấn đề cấp bách nhất. Truyền thông Đức bình luận, nước này lo ngại Nga sẽ lập tức ngừng cung cấp khí đốt nếu bị loại khỏi SWIFT, nhưng có vẻ các biện pháp trừng phạt không bao gồm tất cả các ngân hàng của Nga. Điều này giúp cho Đức vẫn có thể duy trì mối quan hệ kinh tế tối thiểu với Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng chấn an dư luận khi phát biểu tại Quốc hội ngày 27/2 rằng chính phủ nước này sẽ xây dựng hai cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới để giảm sự phụ thuộc vào phía Nga.

Ở góc độ của Italy, nước này cũng bắt đầu thay đổi lập trường thận trọng khi Thủ tướng Mario Draghi ngày 25/2 đã tuyên bố sẽ điều tiết lượng tiêu thụ khí đốt và đa dạng hóa nguồn nhập khẩu.

Trong khi đó, đối với các quốc gia phụ thuộc vào năng lượng và ngũ cốc của Nga, việc nhập khẩu từ Nga sẽ gặp khó khăn. Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới về GDP và là nhà xuất khẩu lớn về khí đốt tự nhiên, lúa mỳ và kim loại palladium được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn. Nếu nguồn cung của những sản phẩm chính này giảm trên thị trường quốc tế, giá năng lượng và các yếu tố khác có thể tiếp tục tăng, từ đó thúc đẩy lạm phát toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura Nhật Bản cho rằng nếu việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT khiến các nước không thể thực hiện các khoản thanh toán liên quan đến năng lượng với Nga, kinh tế toàn cầu sẽ bị thiệt hại từ 0,5-1,0% GDP do lạm phát tăng nhanh, tương đương với tác động của “cú sốc Lehman”.

Thực tế, Nga đã tính đến phương án bị loại trừ khỏi SWIFT và thúc đẩy vận hành mạng lưới thanh toán liên ngân hàng của riêng mình, từ đó có thể kích hoạt các khoản thanh toán từ các nước mới nổi và các nước đang phát triển khi nhập hàng từ Nga.

Ngoài ra, các giao dịch tiền ảo (tiền điện tử) không thông qua các tổ chức tài chính có thể bị lợi dụng như một kẽ hở. Như vậy về lâu dài, các khoản thanh toán quốc tế không sử dụng đồng USD sẽ tăng lên, và dẫn đến nguy cơ là vị thế của đồng tiền tệ chủ chốt này và hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ sẽ giảm sút.

Có thể thấy, các biện pháp trừng phạt mới là đủ nặng để có thể khiến Nga xem xét việc trả đũa. Có nhiều cách khác để Nga trả đũa, một trong số đó là tăng cường các cuộc tấn công mạng vào các tổ chức phương Tây. Một cách khác là hạn chế nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

Theo Bloomberg, tính đến ngày 25/2, nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom qua Ukraine đã tăng trở lại mức bình thường. Nhưng Nga hiện có thể giảm nguồn cung, vốn không gây nhiều tác động tài chính đối với Nga (xuất khẩu dầu quan trọng hơn nhiều đối với kinh tế Nga), nhưng sẽ khiến giá năng lượng và hóa đơn tiêu dùng ở châu Âu cao hơn. Trong kịch bản này, phương Tây sẽ vẫn có những vũ khí kinh tế khác để leo thang, như chặn các dịch vụ Internet tiêu dùng hoặc các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục