McKinsey đánh giá quá trình chuyển đổi kinh tế theo hướng phát thải ròng bằng 0

18:07' - 27/01/2022
BNEWS Công ty tư vấn McKinsey & Company mới đây công bố báo cáo “Chuyển tiếp sang trạng thái net zero: Chi phí và lợi ích tiềm năng” (The net-zero transition: What it would cost, what it could bring”).

Báo cáo phân tích ý nghĩa của quá trình chuyển tiếp này xét theo các khía cạnh: nhu cầu, đầu tư ban đầu, chi phí sản xuất, và việc làm ở các ngành gây 85% tổng lượng phát thải, với phân tích sâu về 69 quốc gia.

Bên cạnh đó, bản báo cáo cũng đánh giá quá trình chuyển tiếp trên hai phương diện: các lĩnh vực kinh tế và các khu vực địa lý.

Xuất phát điểm và lộ trình hướng tới trạng thái phát thải ròng bằng 0 (net zero) được sử dụng trong phân tích là kịch bản do Mạng lưới Phủ Xanh Hệ thống Tài chính (NGFS) xây dựng với giả định thế giới đạt trạng thái này vào năm 2050.

Theo báo cáo, quá trình chuyển tiếp sẽ mang tính phổ quát với tất cả các ngành kinh tế và các quốc gia sẽ đều chịu ảnh hưởng.

Điều này là nhờ các hệ thống sử dụng năng lượng và nguồn đất vốn đóng vai trò nền tảng cũng như gây phát thải nhiều cho các nền kinh tế trên thế giới đều được cải tổ.

Quy mô chuyển đổi kinh tế sẽ rất lớn. Tổng chi đầu tư ban đầu cho các tài sản vật lý sẽ vào khoảng 275.000 tỷ USD từ nay đến năm 2050 - tương đương xấp xỉ 9.200 tỷ USD mỗi năm hay tăng 3.500 tỷ USD/năm so với mức chi thường niên hiện nay.

Các hoạt động có mức phát thải cao khi đó sẽ giảm dần quy mô, còn các hoạt động phát thải thấp được đẩy mạnh.

Thế giới có thể cần tái phân bổ lao động trên diện rộng, khi quá trình chuyển tiếp sang trạng thái net zero sẽ tạo thêm khoảng 200 triệu vị trí nhưng cũng làm biến mất khoảng 185 triệu việc làm cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

 

Quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian đầu. Thập kỷ tiếp theo sẽ đóng vai trò quyết định. Mức chi cho quá trình này sẽ tăng từ tương đương 6,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở thời điểm hiện tại lên 8,8% GDP trong giai đoạn 2026 -2030 rồi giảm dần sau đó.

Tác động của quá trình dịch chuyển sẽ không đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế, các quốc gia, và các cộng đồng. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là các ngành có sản phẩm hoặc hoạt động vận hành với lượng phát thải cao; các quốc gia có thu nhập thấp và có nguồn tài nguyên nhiên liệu hóa thạch lớn; cùng các cộng đồng có nền kinh tế bản địa phụ thuộc vào các ngành chịu ảnh hưởng của quá trình dịch chuyển.

Các ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất hiện đóng góp khoảng 20% GDP toàn cầu. Ngoài ra, 10% GDP toàn cầu nằm ở các ngành có chuỗi cung ứng phát thải cao, ví dụ như ngành xây dựng.

Các hộ gia đình có thu nhập thấp ở khắp nơi trên thế giới có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất, bởi giá điện sẽ rất đắt trong tương lai gần cùng những chi phí đầu tư ban đầu có thể phát sinh từ các sản phẩm phát thải thấp như máy sưởi và xe hơi chạy bằng điện mà họ cần chi trả ngay.

Sự dịch chuyển kinh tế về cơ bản sẽ gặp nhiều rủi ro nếu quá trình chuyển tiếp diễn ra không có trật tự. Nếu không được quản lý tốt, sự dịch chuyển này sẽ đi kèm với rủi ro, bao gồm rủi ro thiếu hụt năng lượng và tăng giá. Nếu bị trì hoãn hoặc diễn ra quá đột ngột, sự dịch chuyển lại có thể gây rủi ro khiến tài sản bị mắc kẹt và người lao động bị mất việc làm.

Đối với tất cả các chi phí và rủi ro phát sinh, các điều chỉnh kinh tế cần thiết để đạt trạng thái net zero sẽ đi kèm với các cơ hội và ngăn chặn rủi ro vật lý tiếp tục gia tăng.

Báo cáo chỉ ra 6 nguyên mẫu chính của các quốc gia, dựa trên bản chất chung của mỗi nguyên mẫu về mức độ chịu ảnh hưởng của quá trình chuyển tiếp. Chúng bao gồm: các nước sản xuất tài nguyên nhiên liệu hóa thạch, các nước sản xuất có tỷ lệ phát thải cao, các nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, các nước thâm dụng đất, các nước sản xuất phát thải hạ nguồn, và các nền kinh tế dựa vào dịch vụ.

Việt Nam nằm ở nhóm các quốc gia thuộc nguyên mẫu thứ 2 “Các nước sản xuất có tỷ lệ phát thải cao” cùng với Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.

Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh, như sản xuất với mức độ phát thải cao, sản xuất điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch và nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn, trung bình khoảng 18%, trong GDP của các quốc gia này. Việc làm có xu hướng tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp (hơn 20%), trong khi phần lớn dung lượng vốn lại nằm ở lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo và sản xuất điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục