Petrolimex và PVOIL tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung xăng dầu

17:58' - 26/01/2022
BNEWS PVOIL và Petrolimex sẽ khẩn trương có các giải pháp để bù vào sản lượng thiếu hụt nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngừng hoạt động ngày 13/2 tới đây.

Hai doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam là Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ khẩn trương có các giải pháp để bù vào sản lượng thiếu hụt nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngừng hoạt động theo thông báo vào ngày 13/2 tới đây.

Trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương cho biết, trong điều kiện bình thường, PVOIL sẽ nhập khoảng 30% sản lượng xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, khoảng 45% từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và phần còn lại là nhập khẩu từ các đối tác nước ngoài.
Vì vậy, trong trường hợp Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn ngừng hoạt động, PVOIL sẽ tăng cường nhập khẩu từ các đối tác nước ngoài uy tín với mức giá hợp lý nhất để bù vào phần sản lượng thiếu hụt.
"Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP, PVOIL luôn đảm bảo tỷ lệ dự trữ xăng dầu là 20 ngày cung ứng. Vì vậy, với thị phần trong nước chiếm khoảng 18%, PVOIL luôn đảm bảo đủ lượng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết nguyên đán Nhâm Dần", Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương khẳng định.
Về phía Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp đang chiếm khoảng 50% thị phần trong nước. Đại diện tập đoàn này cũng cho biết nguồn xăng dầu đến từ hai nhà máy lọc dầu trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 60% trong cơ cấu nguồn cung xăng dầu của Petrolimex. Trong đó, theo hợp đồng đã ký cho năm 2022, Petrolimex tiếp nhận mỗi tháng khoảng 235.000 - 265.000 m3 xăng dầu/tháng từ Nhà máy Nghi Sơn thông qua doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của Lọc dầu Nghi Sơn là PVNDB.

Vì vậy, bên cạnh việc yêu cầu PVNDB có nghĩa vụ mua bổ sung nguồn hàng thay thế theo quy định của Nghị định 95/2021/NĐ-CP nếu cung ứng thiếu so với hợp đồng, Petrolimex sẽ khẩn trương làm việc với các đối tác nước ngoài để nhập khẩu xăng dầu, bù đắp sản lượng xăng dầu thiếu hụt. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Petrolimex cũng sẽ sử dụng lượng xăng dầu dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường.


Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ đã làm việc với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) và có văn bản gửi các sở công thương, một số doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu trong nước.
Bộ cũng đã yêu cầu NSRP báo cáo về kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu, kế hoạch sản xuất như đã đăng ký. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng phải báo cáo tiến độ, kế hoạch và tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối xăng dầu, để không xảy ra chuyện ngừng sản xuất mà không thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.
Doanh nghiệp đang chịu áp lực về tài chính, nhưng họ cần tính toán cân đối chi phí giữa được và mất khi dừng sản xuất và tiếp tục vận hành. Đơn vị này đang chiếm 35% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước.
Với các thương nhân đầu mối xăng dầu khác, Bộ Công Thương yêu cầu có kế hoạch nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Về lo ngại thiếu nguồn cung xăng dầu hay không trong thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước cho hay, Bộ có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước. Bộ cũng sẽ có chỉ đạo để doanh nghiệp thực hiện nghiêm vấn đề này. 
"Việc đột ngột cắt đơn hàng của NSRP không đúng thông lệ quốc tế. Hiện các bên đã đàm phán chốt để đưa hàng về kịp thời", ông Đông cho biết.
Trước đó, ngày 19/1/2022, NSRP đã công văn số 126/NSRP- HPR gửi Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thông báo sẽ phải ngừng hoạt động hoàn toàn vào ngày 13/2/2022 nếu tình hình tài chính không được cải thiện.
Nội dung công văn nêu rõ, NSRP đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng về tài chính do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa phê duyệt gia hạn Thỏa thuận hỗ trợ tài chính thanh toán tiền dầu thô (RPA) và Hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liệu (FPOA) giữa PVN và NSRP.
Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) là Công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do bốn thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM), Công ty Dầu khí quốc tế Cô-oét (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PETROVIETNAM góp vốn 25,1%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục