Mía đường trước sức ép hội nhập - Bài 1: Dấu ấn một thời

16:32' - 23/04/2018
BNEWS Ngành mía đường Việt Nam đã để lại dấu ấn lịch sử khi mà trong 5 năm (1995-2000) đã thực hiện thành công Chương trình một triệu tấn đường.
Chương trình 1 triệu tấn đường đã giúp Việt Nam đảm bảo nhu cầu tiêu dùng

đường trong nước. Ảnh:TTXVN

Đường là một nông sản quan trọng, thiết yếu ở mỗi quốc gia. Thực hiện Chương trình một triệu tấn đường, Việt Nam xác định ngành mía đường không phải là ngành kinh tế vì mục đích lợi nhuận tối đa mà là ngành kinh tế xã hội.

Nhưng khi nền kinh tế bước vào thời kỳ hội nhập, hiện hữu nhất hiện nay là tác động trực tiếp của việc thực hiện theo lộ trình Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đối với sản phẩm mía đường, đòi hỏi ngành mía đường Việt Nam phải tổ chức lại sản xuất để tồn tại, phát triển, trước hết là ngay tại sân nhà.
Bài 1: Dấu ấn một thời
Ngành mía đường Việt Nam đã để lại dấu ấn lịch sử khi mà trong 5 năm (1995-2000) đã thực hiện thành công Chương trình một triệu tấn đường. Từ một nước phải chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu đường, nhưng ngành đường Việt Nam đã nhanh chóng đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời thiết lập được sự hiện diện của mình trên bản đồ đường thế giới.
Chương trình đã hoàn thành mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn đường mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII đặt ra.
Có thể nói đây là chương trình đột phá, khởi đầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tạo chuyển dịch lớn về cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn. Là chương trình mang tính kinh tế xã hội và nhân văn sâu sắc, cải thiện đáng kể đời sống nông dân nhiều vùng trồng mía, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Năm 1994, cả nước có 150.000 ha mía, năng suất bình quân 42 tấn/ha, sản lượng mía 6,3 triệu tấn. Với 12 nhà máy đường hoạt động sản xuất được gần 100.000 tấn đường. Cùng với các cơ sở thủ công, tổng sản lượng đường cả nước đạt 300.000 tấn, thời điểm đó hàng năm phải nhập khẩu thêm trên 100.000 tấn.
Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII, ngành mía đường đã xây dựng được một hệ thống các nhà máy chế biến đường công nghiệp trên cả nước với 44 nhà máy, tổng công suất là 78.200 tấn mía/ngày (bình quân 1.800 tấn mía/ngày/nhà máy), tăng gần 8 lần so với năm 1994.
Các nhà máy đường mới đều được xây dựng tại các vùng nông thôn, vùng trung du, miền núi, vùng dân tộc ít người, vùng đất nghèo khó khăn, vùng sâu, vùng xa và được phân bổ khắp cả ba miền, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân.
Đặc biệt, trong 5 năm này, từ một nước nhập khẩu đường, vốn đầu tư rất khó khăn, chương trình đã huy động được các nguồn vốn để xây dựng và hình thành ngành công nghiệp chế biến đường, đưa Việt Nam thành nước sản xuất đường có tên trên bản đồ ngành đường thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là chương trình đầu tiên thực hiện thí điểm không sử dụng ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản mà từ nguồn vốn vay đầu tư phát triển kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội, bao gồm cả FDI.
Đến năm 2000, trong thời kỳ xây dựng cơ bản chương trình đã huy động được tổng vốn đầu tư trên 9.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 700 triệu USD (không kể vốn đầu tư cho vùng nguyên liệu); trong đó, vốn nước ngoài là 470 triệu USD, chiếm 67% tổng số vốn đầu tư. Tại thời điểm đó đây là một chương trình đã huy động được vốn nước ngoài cao nhất.

Giá thành sản xuất đường ở Việt Nam vẫn cao. Ảnh: TTXVN

Sau chương trình, các nhà máy đường gặp rất nhiều khó khăn do xây dựng vùng nguyên liệu chưa đồng bộ với xây dựng nhà máy, nhiều nhà máy bị thiếu nguyên liệu. Cùng lúc đó, ngành đường thế giới lại bị khủng hoảng thừa, giá bán đường giảm sút, nhiều nhà máy sản xuất thua lỗ.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 28/2004/QĐ-TTg về tổ chức lại sản xuất và thực hiện một số giải pháp xử lý khó khăn đối với các nhà máy và công ty đường. Đây được coi là bước chuẩn bị cho ngành mía đường bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới. Các nhà máy đường đã tích cực thực hiện cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu, xây dựng mới, thậm chí đóng cửa, phá sản một số nhà máy.
Từ đây, ngành đường đã bắt đầu điều chỉnh sắp xếp lại một số nhà máy cho phù hợp với khả năng phát triển vùng nguyên liệu. Đến nay, 100% các doanh nghiệp ngành đường đã được cổ phần hóa và hầu hết đã chuyển đổi không còn phần vốn của nhà nước. Có thể nói ngành đường là một trong những ngành thực hiện cổ phần hóa triệt để nhất.
Đến nay, trải qua 22 năm, ngành mía đường liên tục phát triển với sản lượng đường hàng năm đạt trên 1,5 triệu tấn; đã tạo được các mô hình phát triển bền vững, từng bước thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đây là một trong những ngành đi đầu trong việc gắn kết nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy, tạo đầu ra ổn định cho nông dân, xây dựng mối liên minh kinh tế bền vững giữa công nhân và nông dân, củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các nhà máy đường không gắn với vùng nguyên liệu nên nhiều năm qua luôn phát sinh tình trạng tranh giành mua mía nguyên liệu, làm cho giá mía luôn biến động, diện tích trồng mía không ổn định. Các nhà máy cũng chưa thực sự quan tâm đến việc phải đầu tư cho vùng nguyên liệu, thậm chí đầu tư nâng cấp chính mình.
Bởi vậy, đến nay, năng suất mía vẫn thấp, công nghệ lạc hậu, chi phí giá thành sản xuất cao là những tồn tại bất lợi của ngành mía đường Việt Nam khi bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng./.
Bài 2: Cơ cấu lại ngành mía đường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục