Minh bạch các khoản thu trong trường học

09:55' - 06/10/2022
BNEWS Việc xã hội hóa giáo dục là nhu cầu tất yếu nhưng thực tế, tình trạng lạm thu dưới hình thức các khoản xã hội hóa còn diễn ra ở một số trường, lớp, gây áp lực về tài chính cho phụ huynh.

Mới đây, lãnh đạo Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm hai lớp thuộc khối 9 trao đổi với Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp dừng việc thu tiền đầu năm học, sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của một số phụ huynh về vấn đề thu - chi.

 

Đồng thời, lãnh đạo trường yêu cầu các lớp triển khai vấn đề thu - chi theo tinh thần hoạt động đến đâu thu đến đó, không thu một lần cho cả năm, đảm bảo thu đủ, chi đủ, không tạo áp lực tài chính cho phụ huynh.

Trước đó, trên mạng xã hội xôn xao về kế hoạch thu - chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở hai lớp thuộc khối 9, Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn (Quận 3) đưa ra với mức tiền dự trù khá lớn, có lớp hơn 165 triệu đồng/năm, có lớp lên đến 270 triệu đồng/năm. Nhiều ý kiến cho rằng, mức thu này tạo áp lực lớn về tài chính cho phụ huynh khi vào đầu năm học.

Ngoài ra, bản kế hoạch thu - chi còn có những khoản chi cho giáo viên, trong khi khoản thu của Ban này chỉ dành cho hoạt động của Ban như khen thưởng, chăm lo cho học sinh, hỗ trợ hoạt động giáo dục...

Theo quy định, các khoản thu trong trường học hiện nay bao gồm học phí và khoản thu ngoài học phí. Ngoài các khoản nhà trường trực tiếp thu là thu hộ, chi hộ và thu thỏa thuận, hiện trong lĩnh vực giáo dục còn các khoản đóng góp như tài trợ (Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT) và Quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh (Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT). Đây là hình thức xã hội hóa, đều đóng góp trên tinh thần tự nguyện, tùy theo khả năng của mỗi phụ huynh.

Trong bối cảnh hiện nay, việc xã hội hóa giáo dục là nhu cầu tất yếu nhưng thực tế, tình trạng lạm thu dưới hình thức các khoản xã hội hóa còn diễn ra ở một số trường, lớp, gây áp lực về tài chính cho phụ huynh cũng như bức xúc trong xã hội.

Trong cuộc khảo sát mới đây do MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với sự tham gia của khoảng 28.000 phụ huynh về các vấn đề giáo dục, bên cạnh ý kiến đánh giá tốt về môi trường giáo dục, khoản đóng góp đúng quy định, còn có 6,6% phụ huynh cho rằng các khoản đóng góp, mua sắm dụng cụ học tập đầu năm cho nhà trường ngoài học phí là quá lớn.

Ông Trần Trung Mậu, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, vấn đề lạm thu dưới hình thức xã hội hóa vẫn xảy ra ở một số nơi.

Xã hội hóa là giải pháp cần thiết để huy động nguồn lực cho phát triển giáo dục. Tuy nhiên thu thế nào, thu của ai, thu bao nhiêu là vấn đề cần quan tâm.

Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cần lưu ý đến vấn đề này bởi nó ảnh hưởng đến nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình khó khăn. Trong đó, ngành cần quan tâm đến việc quản lý thu - chi từ quỹ cha mẹ học sinh để đảm bảo sự công khai, minh bạch.

Từ những việc mang tính lạm thu dưới hình thức xã hội hóa, nhiều ý kiến băn khoăn về sự cần thiết của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Chị Nguyễn Thị Nhung (phụ huynh ở thành phố Thủ Đức) cho rằng, bên cạnh việc quản lý, giám sát chặt chẽ vấn đề thu - chi của quỹ, Ban đại diện cha mẹ học sinh cần quan tâm đến việc làm sao để phát huy hiệu quả hoạt động của mình, nhất là trong việc phối hợp cùng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm tổ chức hiệu quả hoạt động giáo dục, hỗ trợ, chăm lo cho học sinh. Từ đó, xã hội có nhìn nhận đúng vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Cùng quan điểm, anh Hoàng Lâm (thành phố Thủ Đức) cho rằng, một số nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động chưa đúng vai trò, trách nhiệm.

Nhất là vấn đề thu - chi quỹ của Ban ở một số nơi chưa hợp lý, có lý do chủ quan nhưng cũng có thể do chưa nắm rõ quy định về thu - chi quỹ khiến phụ huynh bức xúc, xã hội đánh giá không tốt.

Tuy nhiên, thực tế,  Ban đại diện cha mẹ học sinh nếu hoạt động hiệu quả, đúng với quyền, trách nhiệm theo quy định sẽ phát huy vai trò của mình trong việc phối hợp, đồng hành cùng nhà trường chăm lo, giáo dục học sinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục