Mở cánh cửa mới cho hợp tác thương mại Việt Nam - Ireland

09:28' - 01/10/2024
BNEWS Ireland là đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại thị trường EU, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong năm 2023 đạt gần 3,5 tỷ USD, đứng thứ 6 trong số các quốc gia thuộc khối EU.

Sau 28 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Ireland đã gặt hái những thành tựu rất đáng ghi nhận, cụ thể, phù hợp với lợi ích chung của Chính phủ và nhân dân hai nước.

Hợp tác thương mại đến là một trong những trụ cột chính trong quan hệ hai nước, trên cơ sở triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) và sắp tới là Hiệp định Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVIPA) sau khi được Ireland và các thành viên EU còn lại phê chuẩn.

Chính vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Ireland được kỳ vọng mở ra cánh cửa hợp tác mới trong quan hệ thương mại song phương. 

*Duy trì tăng trưởng

Bộ Công Thương cho biết, Ireland  là đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại thị trường EU, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong năm 2023 đạt gần 3,5 tỷ USD, đứng thứ 6 trong số các quốc gia thuộc khối EU. 

Tính tới hết tháng 7/2024, Ireland có 41 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 60,82 triệu USD, đứng thứ 55/146 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại nước ta. Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu sang Ireland năm 2022 đạt 502 triệu USD, tăng 45,9% so với năm 2021. Sau khoảng thời gian ảnh hưởng do dịch COVID-29, nền kinh tế Ireland đối mặt với một số khó khăn tương tự như nhiều quốc gia tại khu vực EU, cũng như nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Ireland từ các nước; trong đó, có Việt Nam trong năm 2023 giảm đáng kể so với năm trước. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2024 đến nay, với nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường, nhất là nguồn cầu được hồi phục, tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ireland đã tăng trưởng tích cực; trong đó, xuất khẩu 8 tháng của Việt Nam sang thị trường này đạt 669 triệu USD, tăng 123,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Ireland đạt 2,45 tỷ USD, tăng 29,8%; kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 3,12 tỷ USD, tăng 42,6%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình xuất nhập khẩu của Việt Nam với khối EU 8 tháng năm 2024 (15,8%).

 

Theo các chuyên gia thương mại, trong quan hệ thương mại song phương với Việt Nam, vấn đề đáng lưu ý là Việt Nam luôn duy trì nhập siêu rất lớn với thị trường Ireland (năm 2023, Việt Nam nhập siêu hơn 2,7 tỷ USD). Mặc dù lượng nhập siêu có xu hướng giảm trong những năm trở lại đây, tuy nhiên kể từ đầu năm đến nay, Việt Nam tiếp tục tăng nhập siêu từ thị trường này. 

Ireland hiện tại vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện thường xuyên chiếm trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu. Với việc là quốc gia có khung khổ pháp lý rất thông thoáng, ưu đãi dành cho phát triển các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp..., do vậy Ireland là quốc gia được các công ty công nghệ toàn cầu đặt trụ sở hoặc đăng ký kinh doanh. Lượng nhập siêu lớn nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bao gồm cả chip bán dẫn từ Ireland đa phần phục vụ sản xuất, dây chuyền lắp ráp trong nước.

Nhận định từ các chuyên gia, có thể nói, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Ireland là rất lớn. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, và các lĩnh vực thế mạnh khác còn khiêm tốn, chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị cũng như tiềm năng, lợi thế của mỗi nước. Theo đó, trong thời gian tới, hai bên cần tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tăng chia sẻ thông tin để khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng nước nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương.

*Hợp tác phát triển

Trong khuôn khổ phái đoàn thương mại của Chính phủ Ireland đến thăm Việt Nam, Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng Hải Martin Heydon cho biết, Ireland đã cung cấp các sản phẩm nông sản, thực phẩm đến nhiều thị trường trên thế giới và đang tập trung vào sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao về mảng đồ uống và thực phẩm. Ireland mong muốn đem lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng Việt Nam.

Ở Ireland có ưu thế lớn về vị trí địa lý, với vùng nước rất sạch, vì thế, sản phẩm thủy sản rất sạch, chất lượng cao. Một số sản phẩm thủy sản đặc trưng, chất lượng cao của Ireland có thể kể đến như cua, cá hồi và mong muốn được cung cấp các sản phẩm thủy sản bổ trợ, sản phẩm cao cấp cho Việt Nam. 

Trong nhiều năm qua, Ireland đã tập chung nhiều hoạt động, xây dựng các chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam. Gần đây, Ireland đã thúc đẩy hoạt động hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tiêu chuẩn để Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường mới.

Riêng với ngành sữa, Ireland đã đầu tư rất nhiều vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, phát triển công nghệ để đảm bảo các sản phẩm sữa có thể đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ sơ sinh và người già cũng như các nhu cầu khác liên quan đến sữa. Việc tăng cường hoạt động xuất khẩu như vậy sẽ góp phần gia tăng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Ireland, mang lại lợi ích cho cả 2 quốc gia.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, Ireland sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến các dự án đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực Ireland có thế mạnh và Việt Nam có nhiều tiềm năng. Cụ thể như công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp, công nghệ cao, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Cùng đó là việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng như các lĩnh vực hợp tác trọng tâm tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Việt Nam.

Để đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hợp tác, nhất là các lĩnh vực tiềm năng, hai bên cần tăng cường việc trao đổi đoàn, đặc biệt là đoàn cấp cao; tích cực tận dụng tốt các khuôn khổ hợp tác hiện có trên cả góc độ song phương và đa phương (với tư cách là thành viên EU, ASEAN và các tổ chức quốc tế khác); hợp tác giải quyết một số vấn đề còn tồn tại như việc Ireland phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) và vận động EU gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU về hoạt động đánh bắt cá.

Nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Ireland trong thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho rằng hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau. Bên cạnh đó, tận dụng tối đa những cơ hội mà EVFTA mang lại trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Đặc biệt, cần thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) và thúc đẩy EC gỡ bỏ thẻ vàng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cho thủy sản của Việt Nam. Cùng đó, khuyến khích các doanh nghiệp Ireland, bao gồm cả các công ty toàn cầu đặt trụ sở tại Ireland chuyển hướng, mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương cũng lưu ý việc hai bên cần tăng cường trao đổi các cấp. Phía Ireland hỗ trợ Bộ Công Thương tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình tuần hang Việt Nam tại các chuỗi siêu thị tại Ireland và phối hợp để đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phối của Ireland, qua đó cân bằng dần thâm hụt thương mại giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Ireland cần tập trung tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp (công nghiệp 4.0, công nghiệp chế tạo và tự động hóa, công nghiệp điện tử và công nghệ số, ứng dụng vật liệu mới trong sản xuất công nghiệp, công nghiệp bán dẫn, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp, công nghiệp môi trường). Ngoài ra là năng lượng (phát triển năng lượng xanh, hiệu quả năng lượng…), tiêu dùng bền vững, đổi mới sáng tạo, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đặc biệt, hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, trong khuôn khổ ASEM và hợp tác ASEAN– EU, qua đó chung tay thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục