Mở cửa du lịch quốc tế ở Việt Nam - cần theo xu hướng thị trường

19:00' - 09/08/2022
BNEWS Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng qua tăng rất mạnh nhưng con số này vẫn giảm tới 92,9% so với cùng kỳ năm 2019 (khi chưa xảy ra dịch COVID-19).

Trong hai ngày 8-9/8, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Du lịch phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức chuỗi Hội thảo chuyên ngành du lịch thuộc khuôn khổ Chương trình Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tại Hội thảo, các chuyên gia chia sẻ, du lịch quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài; du lịch quốc tế phát triển cũng giúp củng cố và phát triển mối quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới.

Chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành

Thống kê sau khi mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế và trong nước vào ngày 15/3/2022, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Du lịch đã đón 601.982 lượt khách quốc tế.

Trong số khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm thị phần cao nhất vẫn là thị trường khách châu Á, đạt 392.124 lượt khách và thấp nhất là châu Phi, đạt 2.414 lượt khách.

Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 20,9%, thu từ kinh doanh dịch vụ lữ hành tăng 94,4% so với nửa đầu năm 2021, phần lớn nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường nội địa.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng qua tăng rất mạnh nhưng con số này vẫn giảm tới 92,9% so với cùng kỳ năm 2019 (khi chưa xảy ra dịch COVID-19).

Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, mặc dù lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành. Do vậy, phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp, trên 2 triệu lao động du lịch mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân, hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành Du lịch.

Trong bối cảnh các thị trường truyền thống vẫn chưa sẵn sàng đưa khách đến Việt Nam, xung đột giữa Nga và Ukraina gia tăng, lạm phát toàn cầu, nhiều doanh nghiệp du lịch quốc tế lớn chưa thực sự phục hồi, lực lượng lao động thiếu hụt... ngành Du lịch, hơn hết là doanh nghiệp cần phải làm gì để sớm đưa du lịch quốc tế ở Việt Nam trở lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng cả ngành phải vào cuộc gồm chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá, du lịch Việt Nam đang phục hồi nhanh và tiếp tục khẳng định là một trong những điểm đến hấp dẫn trên thế giới.

Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021, du lịch Việt Nam xếp hạng 52/117 nền kinh tế, trong đó có 6 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, ngoài chỉ số về tài nguyên du lịch, đáng chú ý là nhóm “An toàn, an ninh” xếp hạng 33. Cũng theo đánh giá của Nikkei, Việt Nam đã tăng từ vị trí 14, lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng “Chỉ số phục hồi COVID-19” nhờ vào số ca mắc và tử vong giảm liên tục.

Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên thương hiệu điểm đến an toàn, góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Với việc mở cửa trở lại ở nhiều quốc gia, nhiều xu hướng thị trường và nhu cầu của khách du lịch dần được định hình rõ nét. Do đó, nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu du lịch của du khách quốc tế, chuẩn bị điều kiện cần thiết của doanh nghiệp du lịch, của điểm đến để đáp ứng đa dạng thị trường khách, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng du lịch là rất quan trọng.

Kích cầu thị trường theo xu hướng mới

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, thói quen sinh hoạt cũng như nhu cầu du lịch của người dân. Những thay đổi xu hướng du lịch cũng là tất yếu, khi sự an toàn của điểm đến hậu COVID được du khách quan tâm hàng đầu.

Một số chuyên gia phân tích, có thể nhận định một số xu hướng du lịch quốc tế ở Việt Nam như khách du lịch ưu tiên lựa chọn điểm đến có mức độ dịch thấp, có hệ thống y tế tốt, dịch vụ, điểm du lịch đảm bảo quy định về vệ sinh, an toàn phòng, chống dịch...

Du khách có xu hướng đến những nơi riêng tư và có sự cách biệt nhằm hạn chế tiếp xúc đông người. Ngoài ra, khách du lịch quan tâm đến vấn đề môi trường điểm đến, cơ sở lưu trú, nhà hàng... vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của họ.

Dịch COVID-19 cũng khiến con người nhận thấy rõ hơn vai trò và giá trị của thiên nhiên nên khách du lịch lựa chọn những nơi còn giữ được nét nguyên sơ, thưởng ngoạn cảnh quan ngoài trời, hít không khí trong lành...

Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch bền vững Việt Nam chia sẻ, phát triển kinh tế du lịch cần một hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu thị trường, kích thích du lịch mới đạt được hiệu quả kinh tế đúng với vai trò của ngành kinh tế tổng hợp và xuất khẩu tại chỗ.

Trong đó, không thể phát triển nhiều loại hình mà không đồng bộ, không mang tính chuyên nghiệp; sẽ dẫn đến “bức tranh du lịch” không sắc nét.

Điển hình, với thế mạnh về tài nguyên và nguồn lực khác, sản phẩm du lịch văn hóa là một trong những sản phẩm chủ đạo cho sự phát triển của du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới.

Còn theo ông Graham Cooke, Chủ tịch kiêm Nhà sáng lập tổ chức World Travel Awards (Giải thưởng Du lịch Thế giới), dịch COVID-19 đã làm tăng tốc độ ứng dụng công nghệ trong ngành Du lịch và du khách mọi lứa tuổi. Ứng dụng công nghệ cho phép các công ty du lịch tương tác với nhau, công ty tương tác với du khách.

Ngược lại, khách du lịch có thể tìm kiếm, trao đổi thông tin trên phần mềm số hay trong việc đặt dịch vụ, thực hiện mua bán, thanh toán dịch vụ liên quan không dùng tiền mặt. Chuỗi sản phẩm, dịch vụ du lịch nội địa và quốc tế đang được phát triển theo xu thế nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp khác cho rằng, sau dịch COVID-19, nhiều khách du lịch hướng đến những sản phẩm du lịch mới bằng hình thức trực tiếp hoặc có thể trực tuyến (online).

Cụ thể, du lịch ngay tại địa phương sở tại (Staycation), du lịch y tế hậu COVID-19, tour online mọi nơi trên thế giới, du lịch áp dụng công nghệ tự động hóa, du lịch thông minh, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch mạo hiểm kết hợp đào tạo kỹ năng (Ed-Ventures), du lịch xanh... là những sản phẩm, dịch vụ ngày càng được khách du lịch ưa chuộng.

Với những xu hướng nêu trên, để phục hồi mạnh mẽ và thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, cả chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra rằng, cần thực hiện một số giải pháp quan trọng như tiếp tục hoàn thiện quy định, hướng dẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh của ngành Du lịch trong thời kỳ mới.

Cùng với đó, ngành Du lịch sớm đổi mới chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch chủ động triển khai kế hoạch, đề án phục hồi, phát triển sản phẩm du lịch mới lạ. Hơn lúc nào hết, một lộ trình phục hồi mạnh mẽ cho ngành Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch quốc tế nói riêng là rất cần thiết để đảm bảo phục hồi, phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

Thêm vào đó, sự thay đổi nhu cầu của du khách cũng là cơ hội, thách thức lớn đối với toàn ngành, đòi hỏi du lịch Việt Nam đổi mới và xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch, vận hành.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục