Mô hình “nhà máy điện ảo” trong tương lai

09:11' - 03/05/2023
BNEWS Australia đã đưa ra mô hình mới trong đó, mọi ngôi nhà ở “xứ sở Chuột túi” đều được lắp các tấm thu năng lượng Mặt Trời, có một chiếc ô tô điện và các bể bơi được làm nóng bằng năng lượng tái tạo.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, mới đây, các nhà nghiên cứu và chuyên gia năng lượng của Australia đã đưa ra một mô hình mới mà trong đó, mọi ngôi nhà ở “xứ sở Chuột túi” đều được lắp các tấm thu năng lượng Mặt Trời, có một chiếc ô tô điện và các bể bơi được làm nóng bằng năng lượng tái tạo.

Tiến sĩ Gabrielle Kuiper - chuyên gia về tài nguyên năng lượng phân phối tại Viện Phân tích Năng lượng, Kinh tế và Tài chính Australia - cho rằng mô hình này không chỉ giúp đáp ứng cầu năng lượng của các gia đình và doanh nghiệp, mà còn của cả hệ thống điện rộng lớn hơn, từ đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Theo bà, thời gian cao điểm của việc sử dụng điện là từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối, khi trẻ em và cha mẹ của chúng đi học, đi làm về. Và đó cũng là lúc các nhà sản xuất điện kiếm tiền.

 
Tuy nhiên, nếu các hộ gia đình sử dụng các tấm thu năng lượng Mặt Trời, chúng sẽ hấp thụ năng lượng Mặt Trời vào giữa ngày và cung cấp năng lượng trong khoảng thời gian từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối. Điều đó có nghĩa là về căn bản, giá điện sẽ giảm.

Đây là lý do tại sao hiện hơn 3 triệu mái nhà ở Australia được lắp đặt hệ thống thu năng lượng Mặt Trời. Chỉ sau 3 năm, số tiền mà họ tiết kiệm được từ việc giảm sử dụng lưới điện quốc gia sẽ bằng số tiền họ bỏ ra cho việc lắp tấm pin đó. Bên cạnh đó, họ cũng không cần phải sử dụng quá nhiều dây điện. Vì vậy, chi phí cho các đường dẫn mạng điện cũng sẽ giảm.

Tiến sĩ Kuiper cũng đề xuất việc thành lập các “nhà máy điện ảo” trong tương lai. Đó là một mạng lưới các nguồn năng lượng phân phối, không chỉ năng lượng Mặt Trời trên mái nhà mà còn cả pin, xe ô tô điện và thiết bị thông minh, hoạt động như một nguồn cung cấp năng lượng.  Nghiên cứu cho thấy giá trị lớn nhất của việc lưu trữ pin và năng lượng Mặt Trời trên mái nhà là cung cấp nguồn điện tại chỗ, đồng thời tránh được chi phí mạng và chi phí bán lẻ.

Ông Graham Town, Giáo sư thỉnh giảng về kỹ thuật tại Đại học Macquarie (Australia), và ông Carl Tidemann - nhà nghiên cứu cao cấp về các giải pháp khí hậu tại Hội đồng Khí hậu Australia - cho rằng việc áp dụng mô hình “nhà máy điện ảo” sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng ngoài việc tiết kiệm tài chính.

Hiện tại, lưới điện phần lớn vẫn được sản xuất bởi nhiên liệu hóa thạch, do đó chúng tạo ra rất nhiều khí thải. Tuy nhiên, khi việc sản xuất năng lượng Mặt Trời diễn ra nhiều hơn, về căn bản, lượng khí thải sẽ giảm đi đáng kể. Điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho các nỗ lực nhằm đẩy lùi tình trạng biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục