Mở rộng hình thức liên kết hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành Việt Nam - Trung Quốc

21:15' - 13/11/2023
BNEWS Chiều 13/11, tại Hà Nội đã diễn các phiên họp thảo luận chuyên đề về đầu tư - thương mại; văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục; giao thông vận tải, logistics.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) do UBND thành phố Hà Nội tổ chức.

 

Đây cũng là cơ hội cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế trực tiếp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra định hướng, phương thức hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực liên quan.

Ban tổ chức đã nhận được 40 tham luận của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu cùng các chuyên gia về các vấn đề nêu trên. Từ đó, góp phần làm sâu sắc hơn nữa các liên kết chuỗi cung ứng khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư nước ngoài, mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hai bên, đặc biệt là trong các lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, logistics, tài chính, thương mại điện tử...  

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, tại 3 phiên chuyên đề, các đại biểu đã cùng đánh giá kết quả hợp tác trong thời gian vừa qua; về những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để trao đổi, làm rõ và thống nhất nhận thức chung, định hướng, kế hoạch hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm. Trên cơ sở hướng tới quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tuân thủ luật pháp quốc tế và quốc gia. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, tạo sự liên kết giữa các địa phương trên tuyến hành lang.

Về lĩnh vực đầu tư - thương mại, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về kết quả triển khai các hoạt động thu hút và thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối giao thông liên tỉnh, liên vùng, tạo tiền đề cho việc triển khai hoạt động hợp tác trên tuyến hành lang kinh tế trong nhiều lĩnh vực liên quan khác như thương mại, du lịch...; chia sẻ kinh nghiệm trong liên kết thương mại và phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử... nhằm thúc đẩy kết nối thương mại phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu; thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các địa phương trong hành lang kinh tế với nhau và với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Về lĩnh vực văn hóa, các đại biểu đã thống nhất tăng cường hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá; bảo tàng, thư viện, điện ảnh; tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá; thảo luận về những vấn đề đặt ra trong hợp tác văn hoá và phát huy nguồn lực văn hoá xây dựng thành phố sáng tạo…

Đối với lĩnh vực du lịch, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu giữa doanh nghiệp du lịch hai bên để xây dựng các tour du lịch trên tuyến hành lang; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành về cơ chế, chính sách, thủ tục xuất nhập cảnh để tạo điều kiện thu hút khách du lịch giữa hai nước; chủ động xây dựng các chương trình khảo sát, xúc tiến, quảng bá điểm đến…

Về lĩnh vực giao thông vận tải - logistics, các đại biểu đã thống nhất về sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải gắn với phát triển dịch vụ logistics; cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hợp tác triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong hành lang kinh tế và qua biên giới, gắn liền với phát triển hạ tầng logistics; định hướng phát triển dịch vụ logistics hướng đến liên kết vùng; thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4, hướng đến mức độ 5, logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục