Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử

17:56' - 21/06/2022
BNEWS Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng kênh tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử là chìa khóa để ngành nông nghiệp tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức trong giai đoạn hiện nay.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn “Kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đoàn khối Dân – Chính – Đảng Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, chiều ngày 21/6.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí minh với dân số 10 triệu người, nhu cầu tiêu thụ bình quân mỗi năm của người dân thành phố đối với các loại nông sản là rất lớn, tương đương 712.000 nghìn tấn gạo, 1,5 triệu tấn rau củ quả, 271.000 nghìn tấn thịt heo, thịt trâu bò, 237.000 tấn thịt gia cầm, 780 triệu trứng gia cầm. Tuy nhiên, khả năng sản xuất nông sản trên địa bàn hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, còn lại chủ yếu là nguồn cung ứng từ các tỉnh.

Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân, thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh đã ký kết tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng với 15 tỉnh, thành phố phía Nam gồm: Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ. 

Tp. Hồ Chí Minh cũng triển khai các hội chợ, chợ phiên kết nối tiêu thụ nông sản như Chợ phiên nông sản an toàn hàng tuần, Hội chợ triển lãm giống và nông nghiệp công nghệ cao…

Nhằm hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp từng bước được thương mại hóa trên các sàn thương mại điện tử, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cũng tham gia vào việc đẩy mạnh chuyển đổi số; qua đó, khẳng định vai trò của tổ chức thanh niên và các công chức, viên chức ngành nông nghiệp trong việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm của Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP), sản phẩm tiềm năng của ngành nông nghiệp qua ứng dụng chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Bí thư Đoàn khối Dân- Chính- Đảng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay Tp. Hồ Chí Minh đang có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 6 sản phẩm đạt 3 sao và 21 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm là bột rau má có đường cũng đang được đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, công nhận sản phẩm OCOP năm 2021 xếp hạng 5 sao. Tiềm năng sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố còn rất lớn, dự kiến giai đoạn 2021-2025 có đến 86 sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP.

Với những tiềm năng trên thì việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường ứng dụng thông tin, cải tiến sản xuất, mở rộng kênh tiêu thụ… là chìa khóa để ngành nông nghiệp tận dùng thời cơ và vượt qua thách thức trong giai đoạn hiện nay.

Việc tiếp cận giữa doanh nghiệp nông nghiệp với thương mại điện tử cũng còn rất nhiều rào cản, như muốn tham gia sàn thương mại điện tử thì chủ thể OCOP phải có tư cách pháp nhân, điều này cũng gây trở ngại khi người nông dân muốn tham gia chương trình nhưng không có tư cách pháp nhân.

Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP phải có nguồn gốc, nguyên liệu từ địa phương, trong khi vùng nguyên liệu nông nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh đang có xu hướng bị thu hẹp dần. Hay chủ thể phải thể hiện được chiến lược, kế hoạch và khả năng phát triển và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp đã có năng lực cạnh tranh thì không có nhu cầu tham Chương trình OCOP. Trong khi đó, nhiều hợp tác xã nông nghiệp, do nông dân tự liên kết có nhu cầu nhưng năng lực cạnh tranh thấp do thiếu vốn, công nghệ sản xuất lạc hậu. Cùng với đó, là nhiều vấn đề khác như khả năng thâm nhập thị trường, mẫu mã sản phẩm, bảo vệ thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp…

Ông Huỳnh Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Thương mại đầu tư OSB, đại lý ủy quyền chính thức của Tập đoàn Alibaba.com cho biết, để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, ngoài việc chú trọng chất lượng sản phẩm thì việc tạo uy tín đối với gian hàng là rất quan trọng vì quyết định niềm tin của khách hàng đối với người bán.

Theo ông Hoà, nông sản Việt còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu trực tiếp hoặc thông qua các sản thương mại điện tử. Thực tế, nhu cầu tìm kiếm nông phẩm trên sàn thương mại điện tử toàn cầu Alibaba.com tăng mạnh trong năm qua.

Khi lưu lượng người mua đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 50%, đặc biệt là các loại hạt như hạt dẻ cười, hạt điều, hạnh nhân tăng từ 70% đến hơn 400%.

Chia sẻ kinh nghiệm đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW cho rằng, muốn chinh phục thị trường thế giới thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, trước hết người bán phải tìm hiểu thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng tại quốc gia mà mình đang muốn hướng tới để quyết định bán cái gì, bán đi đâu, bán như thế nào.

Điển hình như  xu hướng tìm kiếm sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử hiện nay chủ yếu là các sản phẩm chế biến, có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng với trang trí nội thất là các sản phẩm mây tre đan, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…

“Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam, nhưng ngoài việc khai thác hiệu quả thị trường quan trọng này, doanh nghiệp cần có chiến lược đa dạng hoá khách hàng, phải có ít nhất từ 2 thị trường mục tiêu trở lên để giảm thiểu các rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh nhiều biến động  và bất ngờ như hiện nay.

Song song với việc xác định khách hàng, người bán cần chú trọng việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu trên sàn thương mại điện tử bởi trước khi sử dụng và cảm nhận, người tiêu dùng luôn bị thu hút bởi các hình ảnh bắt mắt và ưu tiên các sản phẩm có thông tin rõ ràng, chi tiết”, bà Trần Thị Yến Phi khuyến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục