Môi trường ô nhiễm đe dọa sức khỏe thai nhi

06:09' - 05/11/2016
BNEWS Các thai nhi đối mặt với nhiều nguy cơ hơn khi người mẹ thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường chứa các hóa chất độc hại.

Trong nghiên cứu được đăng trên "Tạp chí Khoa học công nghệ" số ra ngày 2/11, các nhà nghiên cứu từ Đại học California ở Berkeley, Đại học California ở San Francisco và Dự án Môi trường Biomonitoring California của Mỹ cho biết họ đã tiến hành nghiên cứu mức độ nhiễm độc 59 hóa chất độc hại đối với các cặp mẹ con.

Những người mẹ đều đến từ các gia đình có thu nhập thấp hoặc có gốc Latinh. Các nhà khoa học đã xét nghiệm mẫu máu của 77 phụ nữ mang thai trong các năm 2010 và 2011 cùng mẫu máu lấy từ dây rốn của 65 trẻ sơ sinh của các sản phụ trên.

Xét nghiệm 90% mẫu máu của cả mẹ và con đã phát hiện được 8 trong số 59 chất hóa học. Bên cạnh đó, hơn 80% các hóa chất tìm thấy trong mẫu máu của thai phụ cũng xuất hiện trong mẫu máu của trẻ sơ sinh.

Điều này cho thấy khả năng cao là những chất độc này được truyền qua nhau thai tới môi trường nuôi dưỡng bào thai.

Đáng chú ý, Giáo sư Rachel Morello-Frosch đến từ Khoa Quản Lý, chính Sách và khoa học môi trường thuộc Đại học Y tế Cộng đồng UC Berkeley, đồng thời là người phụ trách công trình nghiên cứu, cho biết khác với các nghiên cứu trước đó, thí nghiệm mới cho thấy một số chất độc hại tìm thấy trong máu trẻ sơ sinh có nồng độ đậm đặc hơn so với trong máu người mẹ.

Theo Tracey Woodruff, giáo sư của Viện Nghiên cứu chính sách y tế thuộc Đại học California San Francisco, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của thai nhi.

Theo các chuyên gia y tế Mỹ, phụ nữ mang thai tiếp xúc với các chất hóa học công nghiệp độc hại có nguy cơ sinh non và trẻ khi sinh ra bị thiếu cân hoặc bị các khiếm khuyết.

Tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ cách thức các chất ô nhiễm này được truyền từ mẹ sang con, đặc biệt ở nhóm phụ nữ da màu, di cư và thu nhập thấp do nhóm dân cư này thường chưa được quan tâm đúng mức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục