Một năm khó khăn của Thủ tướng Canada Justin Trudeau

09:49' - 31/12/2019
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, năm 2019 đã chứng kiến những đổi thay lớn trên chính trường Canada và được đánh giá là một năm nhiều thách thức hơn là thuận lợi đối với nền kinh tế nước này.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (thứ 4 trái, hàng đầu) và các thành viên nội các tuyên thệ nhậm chức tại Ottawa. Ảnh: AFP/TTXVN

"Thương hiệu” Trudeau không còn lấp lánh

Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 21/10/2019, đảng Tự do dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Justin Trudeau mặc dù giành chiến thắng, nhưng đã để mất thế đa số ở Hạ viện và chỉ nắm giữ 157 ghế.

Lần thứ hai trong lịch sử Canada, một đảng đứng ra thành lập chính phủ chỉ nhận được chưa đầy 35% số phiếu ủng hộ của người dân trên toàn quốc.

Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Trudeau cũng đã sụt giảm đáng kể sau vụ bê bối của tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin và  tình trạng xuống cấp trong mối quan hệ với một số quốc gia như Trung Quốc và Saudi Arabia.

Cách đây 4 năm, Thủ tướng Justin Trudeau đã mang đến cho cử tri hình ảnh một nhà lãnh đạo lạc quan, với thông điệp thay đổi để tiến bộ.

Tuy nhiên, sau 4 năm đảng Tự do cầm quyền, cộng đồng thổ dân và nhiều nhà hoạt động môi trường đã chỉ trích việc Thủ tướng ủng hộ mở rộng dự án đường ống dẫn dầu Trans Mountain.

Nếu so với cuộc tổng tuyển cử năm 2015, đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau trong năm 2019 đã để mất 5 ghế tại bang Quebec chiến lược và nguy hiểm hơn là bị trắng ghế tại hai tỉnh bang Alberta và Saskatchewan.

Xung đột giữa chính sách chống biến đổi khí hậu của chính phủ liên bang và nền kinh tế của khu vực miền Tây vốn dựa vào dầu khí đã tạo ra "hố sâu ngăn cách" giữa Ottawa với khu vực này, mà một số chuyên gia chính trị cho rằng tình trạng chia rẽ đã lên đến đỉnh điểm.

Đáng chú ý là phần lớn những người tham gia cuộc khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu Nanos Research không tin tưởng rằng chính phủ của Thủ tướng Trudeau có khả năng xử lý được tình trạng chia rẽ ở khu vực miền Tây.

Nguy cơ kinh tế đi xuống

Chính phủ của Thủ tướng Trudeau dự báo tăng trưởng kinh tế của Canada trong thời gian tới sẽ chậm lại và thâm hụt ngân sách phình lên do tăng chi cho trợ cấp hưu trí ở khu vực công trong môi trường lãi suất thấp.

Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau dự kiến ngân sách của Chính phủ Canada sẽ thâm hụt 26,6 tỷ CAD (20,2 tỷ USD) trong năm 2019 và 28,1 tỷ CAD vào năm 2020. Những con số này đều cao hơn mức được dự toán trong kế hoạch ngân sách hồi mùa Xuân 2019.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng tình trạng thâm hụt ngân sách liên tục, mang tính cơ cấu này sẽ khiến Canada khó có thể sử dụng biện pháp kích thích tài khóa khi kinh tế thế giới đi xuống.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Canada ngày 5/12, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định Chính phủ Canada cần hành động để bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và cải thiện đời sống của người dân.

Ottawa đặt mục tiêu đưa lượng khí thải carbon dioxide về 0 vào năm 2050. Đây được đánh giá là mục tiêu tham vọng, nhưng cần thiết, để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Thủ tướng Trudeau bày tỏ mong muốn toàn bộ người dân Canada được hưởng lợi từ thành công của nền kinh tế.

Đặc biệt, chính phủ cũng cam kết hỗ trợ người dân tham gia lực lượng lao động, nâng cao tay nghề… trong khuôn khổ của kế hoạch xây dựng một nền kinh tế vững mạnh và hiện đại.

Trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Trudeau lựa chọn phương án thâm hụt ngân sách gia tăng, hệ thống tài chính của liên bang sẽ suy yếu khi suy thoái ập đến.

Những ý kiến chỉ trích cho rằng chính sách quốc phòng của Canada sẽ phải tìm cách để được chính phủ rót đầu tư, khi mảng y tế và các vấn đề xã hội khác cũng đang rất cần ngân sách.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada, nền kinh tế nước này đã bất ngờ sụt giảm 0,1% trong tháng 10/2019, ghi dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2019.

Số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tháng 10/2019 nằm trong chuỗi những thống kê đáng thất vọng của nền kinh tế mà các chuyên gia cho rằng sẽ gây sức ép buộc Ngân hàng trung ương Canada phải tính đến khả năng hạ lãi suất. Ngân hàng trung ương Canada mới đây dự báo tốc độ tăng GDP của nước này trong dài hạn sẽ chậm lại ở mức 1,3%.

Trong khi đó, Chủ tịch công ty tư vấn đầu tư và nghiên cứu kinh tế Rosenberg Research and Associates Inc, ông David Rosenberg, nhận định có tới 80% khả năng kinh tế Canada sang năm 2020 sẽ rơi vào suy thoái, khi mức nợ khổng lồ của hộ gia đình sẽ tiếp tục kìm hãm hoạt động chi tiêu tiêu dùng.

Khó khăn trong đối nội và đối ngoại

Chính phủ liên bang Canada bị chỉ trích là thường trút gánh nặng trách nhiệm lên các tỉnh trong các vấn đề như nhập cư, người tị nạn...

Đặc biệt, chính sách hạn chế các dự án xây dựng đường ống dẫn dầu, áp thuế carbon, hợp pháp hóa cần sa… cũng gây nhiều tranh cãi tại Canada.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại một sự kiện ở Ottawa. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong lĩnh vực đối ngoại, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng chính sách của Ottawa năm 2019 còn thiếu chủ động, đặc biệt là trong quá trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới.

NAFTA phiên bản 2.0, được gọi là USMCA tại Mỹ và CUSMA tại Canada, mới đây đã được hoàn tất sau các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Mexico liên quan đến các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, cơ chế thực thi hiệp định.

Đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau sẽ phải cộng tác với các đảng đối lập để thúc đẩy thông qua hiệp định. Tuy nhiên, Thủ tướng Trudeau khẳng định ông tin tưởng chính phủ thiểu số của mình sẽ có được đủ phiếu để phê chuẩn NAFTA 2.0.

Phần lớn các nhà hoạch định chính sách Canada đều ủng hộ NAFTA 2.0 vì hiệp định này sẽ giúp mối quan hệ Canada-Mỹ “ổn định” hơn, trong bối cảnh Canada phụ thuộc nhiều vào hoạt động giao thương với Mỹ. Ước tính, giá trị trao đổi thương mại giữa 3 nước thành viên NAFTA đạt gần 1.500 tỷ CAD trong năm 2018.

Canada đặc biệt cần NAFTA 2.0 trong bối cảnh mối quan hệ với Trung Quốc đang ở giai đoạn khủng hoảng, giữa lúc hoạt động thương mại quốc tế chưa được đa dạng hóa đúng mức.

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Ottawa đã xuống cấp nghiêm trọng, sau khi Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính của Tập đoàn công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, theo yêu cầu của Mỹ.

Trung Quốc đã có một loạt động thái được giới quan sát cho là để đáp trả Ottawa như giam giữ hai công dân Canada với cáo buộc hoạt động gián điệp, kết án tử hình hai công dân khác với cáo buộc buôn bán ma túy, và đóng cửa thị trường đối với một số nông sản chủ chốt của Canada.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, với giá trị trao đổi hàng hóa giữa hai nước đạt gần 100 tỷ CAD (76 tỷ USD) mỗi năm.

Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Canada Goldy Hyder mới đây đã cảnh báo về những rủi ro khi gián đoạn giao thương với Trugn Quốc và kêu gọi Chính phủ Canada cân nhắc lại chính sách đối ngoại.

Chính phủ của Thủ tướng Trudeau bước sang năm 2020 sẽ phải đi tìm lời giải cho nhiều câu hỏi, làm thế nào để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế khu vực miền Tây vốn dựa vào hoạt động sản xuất dầu mỏ; làm thế nào để cải thiện mối quan hệ với một đối tác thương mại quan trọng như Trung Quốc; và quan trọng nhất là làm thế nào để giành được đủ phiếu ủng hộ tại Quốc hội để thông qua các quyết sách của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục