Một năm thu phí sử dụng tạm thời lòng đường - Bài cuối: Tìm giải pháp hiệu quả

14:42' - 17/09/2019
BNEWS Hiện nay, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thu phí khó triển khai trên thực tế do chưa bám sát ứng dụng công nghệ thu phí.

Trước những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, hiện Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cùng các đơn vị, địa phương đã đề xuất nhiều phương án để khắc phục.

Các giải pháp hướng tới đảm bảo việc triển khai Đề án vừa đáp ứng mục tiêu về giao thông, vừa đảm bảo không thất thoát nguồn thu.
* Chống thất thu
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, sau gần 1 năm thực hiện vẫn tồn tại một số bất cập, chưa đạt được số thu như đề án ban đầu kỳ vọng.

Sau gần 1 năm thực hiện vẫn tồn tại một số bất cập, chưa đạt được số thu như đề án ban đầu kỳ vọng. Ảnh: Thanh Phàn/TTXVN

Theo số liệu thống kê số thu thực tế thời gian qua ngày càng giảm, nhất là đối với giai đoạn từ tháng 1-4/2019 khi hỗ trợ thu phí là lực lượng tại các quận huyện và tăng chậm trở lại khi lực lượng thanh niên xung phong tham gia hướng dẫn, giám sát thực hiện đỗ xe và thu phí từ tháng 5/2019.
Tháng 8/2018 (bắt đầu triển khai thực hiện đề án), số thu đạt được hơn 316 triệu đồng. Số thu này ngày càng giảm sút, từ 122 triệu đồng (tháng 9/2018) giảm còn 70 triệu đồng (tháng 12/2018) và xuống 4 triệu đồng (tháng 4/2019).

Chỉ từ tháng 5/2019, số thu mới tăng trở lại nhưng chưa đáng kể như 128 triệu đồng (tháng 5/2019), 170 triệu đồng và 173 triệu đồng (tháng 6 – 7/2019).
Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 13/7/2019 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa IX nhấn mạnh: “Việc tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô triển khai chậm, lực lượng thu phí chưa chuyên nghiệp, chưa nhiệt tình, số thu phí thu được không đủ chi cho lực lượng tại hiện trường và chi phí đầu tư trang thiết bị.
Do đó, Sở Giao thông Vận tải cần đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh các giải pháp về công nghệ, chương trình ứng dụng thuận tiện để người dân sử dụng và phục vụ thanh toán điện tử nhằm tiết kiệm chi phí về nhân lực, công khai minh bạch về tài chính, đảm bảo an toàn trật tự”.   
Cuối tháng 7 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị để thống nhất một số giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Các đơn vị thống nhất xây dựng quy trình xử lý vi phạm hành chính (dừng xe, đỗ xe sai quy định và đỗ vào ô nhưng không đóng phí hoặc đóng không đủ phí) giữa các đơn vị liên quan để đảm bảo hiệu quả thu phí.
Theo đó, quy trình đề cập cụ thể trách nhiệm của lực lượng tại hiện trường, vai trò của UBND, công an phường, quận (các cá nhân có thẩm quyền) có liên quan trong phối hợp xử lý vi phạm hành chính về phí; thông tin về phương tiện vi phạm mà người điều khiển không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính sẽ được tổng hợp, công bố rộng rãi trên website của Sở Giao thông Vận tải, chuyển cho các cơ quan, đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới để phối hợp xử lý.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp Vietel -Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích Thành niên xung phong thành phố điều chỉnh quy trình, ứng dụng, giải pháp công nghệ quản lý đỗ xe và thu phí nhằm đảm bảo mục đích về an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thời gian thu phí, thu đúng, thu đủ.
Từ 1/5/2019, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong cũng đã triển khai thực hiện ứng dụng, giải pháp công nghệ quản lý đỗ xe và thu phí sử dụng lòng đường để đỗ ô tô tại 23 tuyến đường với nhân lực triển khai 97 người (41 người/ca).
Hiện nay, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thu phí khó triển khai trên thực tế do chưa bám sát ứng dụng công nghệ thu phí.

Cụ thể, lực lượng thực hiện chức năng hướng dẫn, giám sát thu phí không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không nộp phí.

Thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch UBND cấp xã, phường; công chức Cục thuế; Chánh thanh tra chuyên ngành tài chính.
Theo Sở Giao thông Vận tải, những cá nhân có thẩm quyền này không thể có mặt ngay lập tức để thực hiện xử phạt hoặc khi được mời tới hiện trường thì đương sự đã lái xe bỏ đi.

Đồng thời, mức thu xử phạt cũng quá thấp, không có tác động lớn đến người vi phạm (mức phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí gian lận hoặc trốn nộp phí).
Cùng với đó, việc thanh toán hiện nay còn đơn điệu, hình thức chưa đa dạng, chủ yếu qua tin nhắn của đầu số 1008 và Viettel Pay, không có hình thức khác cho người dân lựa chọn nếu không sử dụng mạng điện thoại của Viettel.

Hay nói cách khác chỉ những người dân sử dụng mạng điện thoại của Viettel mới có thể đỗ xe tạm thời ở những địa điểm đã quy định.
* Đa dạng các loại hình thu phí
Theo Sở Giao thông Vận tải, nhiều người dân chưa có ý thức nộp phí khi đỗ xe tại các tuyến đường có thu phí. Theo số liệu thống kê trên hệ thống, tháng 5/2019 ghi nhận khoảng trên 15.000 trường hợp không đóng phí; trong đó nhiều phương tiện tái diễn thường xuyên và liên tục.
Ngoài ra, một số người dân không hợp tác trong việc đăng ký đặt chỗ bằng phần mềm My Parking do thời gian tải về và cài đặt lâu (khoảng 15-20 phút), ảnh hưởng đến công việc của người dùng.

Một số người cho rằng không quen sử dụng công nghệ, không sử dụng điện thoại thông minh… và yêu cầu thu tiền mặt do đã quen với cách thanh toán này và không hợp tác với lực lượng hướng dẫn.
Bà Cao Thị Bích Ngọc, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong cho biết, trước đây nhiều chủ xe không có điện thoại thông minh, không cài đặt ứng dụng My Parking, điện thoại không có 3G, 4G… thì rất khó khăn, bởi không thể đăng ký đặt chỗ.

Tuy nhiên, với những trường hợp này, các nhân viên sẽ đăng ký giúp qua App (ứng dụng) trên điện thoại của mình.

Nếu chủ xe nào cố tình né tránh, không trả tiền thu phí, nhân viên sẽ ghi hình lại vi phạm, đồng thời nhắc nhở.
Hiện nay, việc thanh toán phí được thực hiện qua ứng dụng My Parking (thông qua ví điện tử Viettel Pay để trừ phí trong thẻ thanh toán MasterCard, VISA, JCB) và nhắn tin đến tổng đài 1008 để trừ tiền trong tài khoản (đối với thuê bao dùng mạng Viettel).

Để thuận lợi cho người dân, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị Viettel Tp. Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong phối hợp nghiên cứu đa dạng hóa, mở rộng các hình thức thanh toán.
Cụ thể, kết nối và sử dụng các loại ví điện tử có lượt người sử dụng đăng ký cao (MoMo, Vnpay QR, ZaloPay...) vào ứng dụng MyParking; ký kết hợp đồng với các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông để các thuê bao khác mạng Viettel có thể thanh toán phí qua đầu số 1008; trang bị cho nhân viên hướng dẫn và giám sát việc thu phí các thiết bị chấp nhận thanh toán di động bằng thẻ ngân hàng.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ cho biết, sắp tới đơn vị sẽ sử dụng thêm thẻ thanh toán bằng loại thẻ cào giống như đi taxi bên cạnh phần mềm thanh toán My Parking; đồng thời sẽ mở rộng thêm một số tuyến đường có thu phí ô tô dưới lòng đường.

Đặc biệt, Sở sẽ hoàn chỉnh quy trình xử phạt, lấy ý kiến các sở ngành sau đó trình UBND Tp. Hồ Chí Minh. Việc hoàn thành quy trình xử phạt nhằm tránh tình trạng thất thoát phí do ô tô đỗ không trả tiền.
Cũng theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, việc sớm nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện giải pháp công nghệ sẽ tạo thuận lợi cho người dân tương tác nhanh chóng, thuận tiện trong việc đặt chỗ đỗ xe cũng như trả phí, đồng thời xây dựng chế độ báo cáo - cập nhật công khai, minh bạch về số thu phí trong ứng dụng My Parking; qua đó tạo điều kiện cho người dân cũng như các cơ quan quan lý nhà nước có liên quan theo dõi và giám sát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục