Một số địa phương ở Đức áp đặt lệnh giới nghiêm để phòng dịch COVID-19

15:26' - 17/04/2021
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Đức, bang Brandenburg có kế hoạch từ ngày 19/4 tới sẽ áp đặt giới nghiêm vào ban đêm.

Trong bối cảnh Quốc hội Đức đang thảo luận việc sửa đổi Luật Phòng chống lây nhiễm nhằm gia tăng quyền lực cho chính phủ liên bang áp đặt các biện pháp chống dịch nhất quán trên cả nước, một số địa phương ở Đức đã thông báo kế hoạch áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm kiểm soát tình trạng lây nhiễm bệnh COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, bang Brandenburg có kế hoạch từ ngày 19/4 tới sẽ áp đặt giới nghiêm vào ban đêm.

Cụ thể, các thành phố và thị trấn ở bang này có chỉ số lây nhiễm 7 ngày trên 100/100.000 dân sẽ thực hiện lệnh giới nghiêm từ 22h đến 5h sáng hôm sau.

Thủ hiến bang Brandenburg Dietmar Woidke cho biết đây là một quyết định khó khăn mà chính quyền bang phải đưa ra khi bang này đang phải đối mặt với giai đoạn dịch bệnh nguy hiểm nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, đặc biệt là tại các bệnh viện ở bang.

Hiện chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày tại Brandenburg là 145,4 và có tới 15/18 thị trấn/thành phố ở bang có chỉ số lây nhiễm vượt quá 100.

Trong khi đó, thành phố Köln cũng thông báo sẽ lập tức áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Theo thị trưởng thành phố, bà Henriette Reker, chính quyền thành phố không thể không áp đặt những biện pháp mạnh tay hơn khi tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, hệ thống y tế cũng đã quá tải.

Lệnh giới nghiêm ở Köln được áp đặt từ nửa đêm 16/4 và sau đó lệnh sẽ có hiệu lực từ 21h đến 5h sáng hôm sau.

Các trường hợp ra ngoài đường ban đêm phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt 250 euro.

Bên cạnh đó, Köln cũng thông báo siết chặt thêm một số biện pháp khác nhằm giảm tiếp xúc để hạn chế lây nhiễm.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel (66 tuổi) đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh-Thụy Điển).

Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert, Thủ tướng Merkel đã bày tỏ vui mừng khi được tiêm mũi AstraZeneca đầu tiên.

Nhân dịp này, bà cũng gửi lời cảm ơn tất cả những người đã tham gia vào chiến dịch tiêm chủng cũng như những người sẵn sàng đi tiêm chủng. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh tiêm chủng là chìa khóa để có thể vượt qua đại dịch.

Trước đó, Phó Thủ tướng Olaf Scholz (62 tuổi) cũng đã được tiêm vaccine AstraZeneca. Theo khuyến nghị của Ủy ban Tiêm chủng thường trực Đức (STIKO), vaccine AstraZeneca nên được tiêm cho những người trên 60 tuổi.

Do tuân thủ theo quy định về thứ tự ưu tiên, Thủ tướng Merkel tới lúc này mới được tiêm chủng, sau khi cả nước Đức đã tiêm được cho trên 15 triệu người.

Trước bà Merkel và ông Scholz, một số chính trị gia trên 60 tuổi khác của Đức cũng đã được tiêm vaccine AstraZeneca, trong đó có Tổng thống Frank-Walter Steinmeier.

Theo số liệu của các cơ quan y tế Đức được công bố vào tối 16/4, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 25.638 ca nhiễm mới và 239 ca tử vong.

Trong số 16 bang ở Đức, bang Nordrhein-Westfalen ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất với gần 6.000 ca, trong khi bang Thüringen có chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày ở mức cao nhất (256), tiếp đến là bang Sachsen (229,5).

Bang duy nhất ở Đức có chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày dưới 100 là bang Schleswig-Holstein (73,5)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục