Nhiều nước thực hiện phong tỏa do dịch COVID-19 bùng phát

16:23' - 15/04/2021
BNEWS Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện phong tỏa do dịch COVID-19 bùng phát trong bối cảnh hệ thống y tế có dấu hiệu quá tải.

*Nhiều nước châu Á thực hiện phong tỏa

Ngày 14/4, Campuchia thực hiện phong tỏa thủ đô Phnom Penh lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối năm ngoái.
Theo thông báo từ chính phủ, khu vực thủ đô cùng thành phố lân cận Takmao sẽ bị phong tỏa trong 14 ngày kể từ ngày 15/4. Ngày 14/4, Campuchia có 178 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ, trong đó riêng tại thủ đô Phnom Penh ghi nhận 149 ca. Cho đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 4.800 ca mắc COVID-19, trong đó có 35 ca tử vong.
Tại Ấn Độ, số ca mắc mới COVID-19 đã tăng đột biến trong 24 giờ qua với hơn 200.000 trường hợp. Đến nay, Ấn Độ đã có tổng cộng 14.074.564 ca mắc COVID-19, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Số ca tử vong tăng thêm 1.038 ca, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ lên 173.123 ca.
Ngày 14/4, Chính phủ Ấn Độ thông báo hủy bỏ kỳ thi lớp 10 và hoãn kỳ thi lớp 12 do số ca mắc COVID-19 tăng vọt. Khi các ca bệnh tăng lên mỗi ngày, một số bang, trong đó có Maharashtra nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất và cả thủ đô New Delhi đã công bố các biện pháp hạn chế đi lại đến tháng Năm. 
Tại Thái Lan, kể từ ngày 10/4-23/4, các địa điểm giải trí, tiệm massage và những tụ điểm ban đêm khác tại 41/77 tỉnh thành phải đóng cửa trong bối cảnh đợt bùng phát gần đây của dịch COVID-19 lây lan từ các quán rượu và câu lạc bộ ở khu vực Thong Lor của thủ đô Bangkok.

Nhân viên y tế làm việc tại một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Hiện Thái Lan phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba trong khi nhiều bệnh viện thông báo sắp hết giường bệnh. Thủ đô Bangkok của Thái Lan hiện đang là tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 mới, chiếm gần một nửa số ca mắc mới được CCSA ghi nhận trong ngày 9/10 với 268 trên tổng số 559 ca mới. 
Tại Nhật Bản, chính phủ có kế hoạch áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn tại tỉnh Aichi, nơi số ca nhiễm tăng trở lại. Ba tỉnh lân cận gồm Tokyo - Kanagawa, Chiba và Saitama cũng đang được cân nhắc áp dụng tình trạng bán khẩn cấp, theo đó có thể sẽ yêu cầu các nhà hàng và quán rượu đóng cửa sớm hơn.
*Nhiều nước Châu Âu duy trì lệnh giới nghiêm và hạn chế

Tại Đức, trong bối cảnh chỉ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã tăng gấp đôi trong tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh có thể thực hiện phong tỏa triệt để và nhất quán trên cả nước, được coi là "siêu phong tỏa" (mega-lockdown), bao gồm áp đặt hạn chế đi lại vào ban ngày.   

Bà Merkel đề cập việc sửa đổi Luật Chống lây nhiễm để có thể buộc các bang phải tuân thủ các quy định được Chính phủ liên bang đưa ra, thay vì chỉ khuyến nghị thực hiện như hiện nay.
Tại Pháp, tình trạng phong tỏa có giới hạn ở Paris cùng các vùng khác sẽ được gia hạn nhằm kiểm soát tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay.
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Pháp "đang đứng trước nguy cơ mất kiểm soát" do sự lây lan nhanh của chủng virus SARS-CoV-2 mới. Vì vậy, các trường học sẽ đóng cửa trong ba tuần, bao gồm cả hai tuần của kỳ nghỉ mùa Xuân. Từ ngày 3/4 đến hết tháng Tư, các quy định về du lịch sẽ được áp dụng trên cả nước, trong đó, các cửa hàng không thiết yếu sẽ bị buộc phải đóng cửa.
Tại Bỉ, lệnh giới nghiêm vẫn được duy trì cho đến ngày 8/5. Tuy nhiên, lệnh cấm tụ tập không quá 3 người từ 00h00 đến 05h00 sẽ được áp đặt; trong đó, mỗi gia đình sẽ được đón 2 người khách và việc tập trung ngoài trời mỗi nhóm sẽ được phép có 10 thành viên thay vì 4 như trước đây.
Cho đến nay, Bỉ vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ người tử vong do COVID-19 tính trên số dân cao nhất thế giới. Với dân số trên 11,5 triệu người, có 903.603 người nhiễm bệnh, trong đó 23.566 người tử vong. Hiện có hơn 1,92 triệu người Bỉ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Tại Hungari, Thủ tướng Viktor Orban cho biết sẽ lùi thời điểm mở cửa trở lại các trường trung học cơ sở tới ngày 10/5, tức là thêm 3 tuần nữa, sau khi giáo viên và học sinh đề nghị chưa mở cửa lại trường học do lo ngại dịch bệnh lây lan. 
Tại Ukraine, Thủ đô Kiev đã thực hiện đóng cửa tất cả các trường tiểu học và hạn chế đi từ ngày 5/4, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại. Theo đó, các quan chức Kiev đã cấp hơn 430.000 thẻ thông hành cho những nhân viên làm việc trong lĩnh vực thiết yếu.
Để được phép đi lại và sử dụng các phương tiện công cộng, cảnh sát kiểm tra hành khách và những người có tấm thẻ đặc biệt này mới được phép đi xe buýt và xe điện hay taxi. Hiện hệ thống y tế tại thủ đô Kiev đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.
*Nhiều nước châu Mỹ áp đặt giới nghiêm
Chính phủ Argentina đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 0h đến 6h sáng hằng ngày và chỉ những người làm việc trong những lĩnh vực thiết yếu có giấy phép mới được di chuyển trong thời gian này. Tất cả các cửa hàng kinh doanh sẽ bắt buộc phải đóng cửa trước 23h. Sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực tại toàn bộ khu vực thủ đô Buenos Aires và các vùng lân cận cũng như các địa phương có số ca mắc COVID-19 tăng cao.

Tất cả các cuộc gặp mặt gia đình từ 10 người trở lên và hội họp tại các địa điểm công cộng từ 20 người đều bị cấm. Ngoài ra, các tour du lịch theo nhóm và các hoạt động thể thao cũng không được phép diễn ra trong thời gian này.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 mới tại Argentina có dấu hiệu gia tăng với mức trung bình trên 10.000 ca/ngày và thậm chí có những ngày lên tới hơn 20.000 ca/ngày sau một thời gian tạm lắng. 
Tại Canada, chính quyền tỉnh bang Ontario, địa phương đông dân nhất đồng thời là trung tâm kinh tế của Canada, buộc phải thực hiện biện pháp phong tỏa trong 4 tuần để kiểm soát dịch COVID-19. Theo biện pháp mới, người dân phải ở trong nhà trong khi các cửa hàng bán lẻ, trừ hiệu thuốc và cửa hàng bán đồ thiết yếu, phải đóng cửa. Lệnh phong tỏa này sẽ có hiệu lực từ ngày 8/4 đến hết tháng./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục