Chứng khoán ngày 13/3: Nhiều thông tin hỗ trợ giúp thị trường thu hẹp đà giảm

17:08' - 13/03/2020
BNEWS Lực cầu bắt đáy tăng mạnh khiến thanh khoản tăng cao và VN - Index đã thu hẹp được đà giảm.
Sắc xanh đã trở lại nhóm cổ phiếu VN30. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Fed bơm thêm 1.500 tỷ USD vào thị trường tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ mua cổ phiếu quĩ trong 1 ngày là những thông tin có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 13/3.

*Chứng khoán Việt Nam thu hẹp đà giảm

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên sáng nay, VN - Index đã giảm tới hơn 40 điểm sau ít phút. Tuy nhiên, đến phiên chiều thị trường đã khởi sắc hơn với việc lực cầu bắt đáy tăng mạnh khiến thanh khoản tăng cao và VN - Index đã thu hẹp được đà giảm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/3, VN - Index chỉ còn giảm 7,47 điểm (0,97%) xuống 761,75 điểm (cuối phiên sáng VN - Index giảm hơn 33 điểm). Khối lượng giao dịch đạt hơn 354,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 6.167,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 147 mã tăng giá, 40 mã đứng giá và 236 mã giảm giá.

HNX - Index cũng chỉ còn giảm nhẹ 0,54 điểm (0,53%) xuống 101,38 điểm (cuối phiên sáng HNX – Index giảm 3,48 điểm). Khối lượng giao dịch đạt hơn 92,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 895,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 46 mã đứng giá và 106 mã giảm giá.

Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đã thu hẹp được đà giảm. Sắc xanh đã xuất hiện trở lại trong nhóm cổ phiếu VN30. Theo đó, trong rổ cổ phiếu này đã có 10 mã tăng giá, trong khi vẫn còn 17 mã giảm, nhưng mức giảm đã ít đi nhiều và chỉ còn 1 mã giảm sàn là SBT.

Ở chiều tăng giá, đáng chú ý có VIC hồi phục ngoạn mục với mức tăng 0,8%; trong khi VHM và VRE cũng về lại mức giá tham chiếu. Ngoài ra, các mã POW, REE, NVL... kết phiên trong sắc xanh.

Ở chiều giảm giá, mức độ giảm đã được co hẹp. Theo đó, VNM chỉ còn giảm 1,8%, MSN giảm 0,2%, HPG giảm 1%, MWG giảm 2,8%, PNJ giảm 3,4%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tích cực trở lại. Trong nhóm này xuất hiện nhiều sắc xanh. Cụ thể, STB tăng tới 4,5%, TCB tăng 1,7%, NVB tăng 1,2%, CTG tăng 0,7%, HDB và MBB đều tăng 0,9%.

Ở chiều giảm giá, VCB giảm 1%, VIB giảm 1,9%, TPB giảm 3,2%, EIB và SHB giảm 1,8%, ACB giảm 0,5%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn diễn biến khá tiêu cực với sự giảm sâu của GAS (4%), PLX (5%), PVB (8,8%), PVC (3,8%), trong khi PVD cũng giảm nhẹ ở mức 0,5%. PVS là mã cổ phiếu hiếm hoi trong nhóm dầu khí khi vẫn tăng 1,9%.

Dù thị trường thu hẹp được đà giảm, nhưng khối ngoại vẫn bán ròng rất mạnh trong phiên giao dịch hôm nay.

Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 670 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là HPG (hơn 111,8 tỷ đồng), MSN (hơn 97 tỷ đồng), VHM (hơn 51,1 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 22,43 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là SHB (hơn 16 tỷ đồng), PVS (hơn 6,8 tỷ đồng).

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng hơn 19,33 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là ACV (hơn 12,3 tỷ đồng), LPB (hơn 6,8 tỷ đồng).

*Chứng khoán thế giới chưa dừng lao dốc

Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt mất điểm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 13/3, hòa theo xu hướng bán tháo diễn ra trên các thị trường toàn cầu. Nhiều chỉ số chứng khoán chứng kiến ngày giao dịch tệ nhất trong hàng thập kỷ qua và thậm chí cơ chế ngắt giao dịch tự động đã bị kích hoạt tại một số thị trường, do quan ngại về kịch bản suy thoái toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, khiến hàng nghìn tỷ giá trị giao dịch bị "bốc hơi".

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 1.128,58 điểm (6,08%) , xuống 17.431,05 điểm, sau khi có thời điểm mất hơn 10% vào đầu phiên. Việc Ngân hàng Trung ương nhật Bản can thiệp vào thị trường với việc bổ sung khả năng thanh khoản có thể đã giúp chỉ số Nikkei thu hẹp đà giảm. Tuy nhiên, nó không thể giúp xoay chuyển tình thế do mối lo ngại về tác động của dịch COVID-19 vẫn quá lớn.

Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng trải qua một ngày thứ Sáu thảm hại khi hạ 62,89 điểm (3,43%), xuống 1.771,44 điểm, sau khi mất tới hơn 8% vào đầu phiên và buộc cơ chế tự động ngừng giao dịch hoạt động chỉ ít phút sau tiếng chuông mở cửa. Các biện pháp kích thích kinh tế mà chính phủ Hàn Quốc mới đưa ra đã phần nào trấn an tâm lý của giới đầu tư cổ phiếu về sự lây lan của dịch COVID-19.

Hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Thái Lan cũng đã phải tạm dừng trong phiên giao dịch sáng ngày 13/3, khi "van an toàn" tự động đóng do chỉ số SET sụt giảm tới 10%. Truyền thông sở tại cho biết giao dịch trên sàn SET đã tạm ngừng từ 9 giờ 59 phút đến 10 giờ 29 phút 9 giờ địa phương). Đây là lần thứ 2 liên tiếp và lần thứ 5 trong lịch sử giao dịch của SET, "van an toàn" được kích hoạt để ngăn chặn biến động quá mức...

*Nhiều chính sách hỗ trợ thị trường

Thực tế, dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Do vậy, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã có điều chỉnh về chính sách nhằm thích nghi và chuẩn bị cho rủi ro.

Đơn cử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York ngày 12/3 thông báo chi 1.500 tỷ USD để mua các tài sản tài chính, trong nỗ lực lớn nhằm bơm tiền vào thị trường trái phiếu giữa lúc thị trường Phố Wall đang “hoảng loạn” do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Sự can thiệp của Fed vào thị trường tài chính cho thấy sự thay đổi đáng kể trong kế hoạch của ngân hàng Trung ương để giảm nợ và nắm giữ chứng khoán từ cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế năm 2008.

Tuy vậy, nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC nêu quan điểm, có thể thấy các biện pháp hỗ trợ hiện giờ đang được thực hiện với mục đích giúp các doanh nghiệp tạm thời tránh phá sản do thiếu dòng tiền. Mấu chốt của vấn đề chỉ được giải quyết khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát. Do vậy, nhiều khả năng diễn biến thị trường sẽ tiếp tục tiêu cực cho đến khi tình hình kiểm soát bệnh dịch có chuyển biến tích cực hơn.

Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, trong giai đoạn này, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cùng các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán sẽ nỗ lực cao nhất để có giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, ông hiểu việc gia tăng mua vào cổ phiếu quĩ là nhu cầu cần thiết của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp có nhu cầu mua cổ phiếu quĩ cần làm đúng hồ sơ pháp lý theo Thông tư 162/2015/TT-BTC hướng dẫn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán cổ phiếu để hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu.

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tối đa, hoàn tất thủ tục chấp thuận cho doanh nghiệp trong vòng 1 ngày. Tùy theo từng trường hợp sẽ có những hồ sơ được xử lý trong ngày, thậm chí là sớm hơn, hoặc sẽ có sự kết nối trực tiếp với doanh nghiệp để cùng hoàn thiện, hướng tới việc đáp ứng nhanh nhất nhu cầu mà doanh nghiệp cần", ông Dũng nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục