Mùa lũ 2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thuận lợi cho sản xuất vụ Thu Đông

12:10' - 03/08/2022
BNEWS Mùa lũ năm 2022 được dự báo là năm lũ nhỏ, mực nước đỉnh lũ chính vụ tại Tân Châu vào khoảng 3,5-3,7 m, xuất hiện vào trung tuần tháng 10.

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, mực nước lũ đầu vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức thấp và có xu thế tăng. Mùa lũ năm 2022 được dự báo là năm lũ nhỏ, mực nước đỉnh lũ chính vụ tại Tân Châu vào khoảng 3,5-3,7 m, xuất hiện vào trung tuần tháng 10. Với mức lũ này được xem là thuận lợi cho sản xuất vụ Thu Đông.

Đến cuối tháng 8, mực nước đỉnh lũ được nhận định ở mức 3m tại Tân Châu (An Giang), với mức lũ này về cơ bản không ảnh hưởng đến sản xuất vụ Hè Thu. Tuy nhiên, triều cường năm 2022 được dự báo ở mức khá cao sẽ gây ra tình trạng ngập lụt, úng trên các khu vực thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trong trường hợp triều cường gặp mưa lớn.

Mực nước lũ đầu vụ đang ở mức thấp và không ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong tháng 7 vừa qua, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Công tại trạm Kratie (Campuchia) có xu thế tăng mạnh vào nửa đầu tháng 7 do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh và ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1. Dòng chảy có xu thế giảm trở lại vào nửa cuối tháng 7.

Tại trạm Tân Châu, ngày 28/7, mực nước lớn nhất đạt 1,86 m, thấp hơn trung bình nhiều năm là 0,36 m; cao hơn năm 2021 là 0,05 m; cao hơn năm 2020 là 0,52 m. Tại trạm Châu Đốc, mực nước lớn nhất đạt 1,85 m, thấp hơn trung bình nhiều năm là 0,04 m; cao hơn năm 2021 là 0,04 m; cao hơn năm 2020 là 0,4 m.

Tại Đông Nam Bộ, hiện khu vực đang trong giai đoạn mùa mưa, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 8/2022 đạt khoảng 77% dung tích thiết kế. Sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu 2022 trùng với thời kỳ mùa mưa và với lượng nước dự báo cho các hồ chứa, nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vụ Hè Thu và vụ Mùa 2022.

Tuy nhiên, khu vực này cần đề phòng ngập úng cục bộ do mưa lớn, đặc biệt ở các khu vực: vùng dọc sông Sài Gòn đoạn qua tỉnh Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh (khu vực hạ du hồ Dầu Tiếng), vùng ven sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), khu vực hạ du sông Buông đoạn qua huyện Trảng Bom và thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), sông Thị Tính đoạn qua phường Mỹ Phước (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), khu vực ven Suối Rạt (thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước).

Khu vực Nam Trung Bộ đang sản xuất vụ Hè Thu 2022 với tổng diện tích cây hàng năm dự kiến gieo trồng khoảng 343.000 ha (trong đó 220.000 ha lúa và 123.000 ha cây hàng năm khác). Dự báo, nguồn nước cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất vụ Hè Thu 2022. Tuy nhiên, nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn vẫn có khả năng xảy ra tại một số công trình thủy lợi nhỏ, các công trình có diện tích tưới vượt so với thiết kế và vùng tưới ngoài phạm vi các công trình thủy lợi. Tổng diện tích nguy cơ ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước toàn vùng là khoảng 2.200-2.400 ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Vụ Hè Thu tại Bắc Trung Bộ dự kiến nguồn nước cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất. Tuy nhiên vào thời điểm nắng nóng cao độ tháng 8, một số vùng có khả năng xảy ra thiếu nước phải triển khai các giải pháp ứng phó với hạn cho 300-600ha canh tác (Quảng Trị 200-500ha; Huế 100ha).

Dự báo đến cuối tháng 8/2022, dung tích trữ các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ trung bình đạt 48% dung tích thiết kế, như:Thanh Hóa 68%, Nghệ An 57%, Hà Tĩnh 39%, Quảng Bình 40%, Quảng Trị 35%, Huế 28%.

Tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, sản xuất vụ Mùa trong thời gian mùa mưa nên các địa phương cần đề phòng tình trạng ngập lụt, úng khi có mưa lớn xảy ra. Đặc biệt ở các lưu vực sông Cà Lồ - Ngũ Huyện Khê và vùng phụ cận (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục