Mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại tại nhiều địa phương

22:09' - 09/12/2018
BNEWS Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các tỉnh, thành phố, chiều tối 9/12, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại tại nhiều địa phương.

Cụ thể, tại tỉnh Nghệ An, mưa lũ đã làm 730 nhà, 1.500 ha ngô và rau màu các loại, 244 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập, 31 m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng. Đập Khe Ngang, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên bị sạt lở.

Một tuyến đường ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bị ngập nước. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Nghiêm trọng nhất là tại thành phố Vinh, mưa đã làm ngập, tê liệt gần như hoàn toàn nhiều tuyến đường giao thông, khu dân cư. Khu vực phía sau chợ Vinh (chợ lớn nhất tỉnh Nghệ An) bị ngập sâu khoảng 1 m; hào Thanh Cổ, hồ Đông Bắc Đội Cung nước ngập tràn bờ; các con đường huyết mạch ở thành phố Vinh như: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thái Học, Đặng Thái Thân, Đại lộ Lê Nin… đã bị ngập sâu, các phương tiện giao thông dồn ứ cục bộ. Nước dâng cao khiến giao thông bị ùn tắc nhiều giờ, nhiều xe máy chết máy hàng loạt.

Tại thành phố Đà Nẵng, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngập chìm trong nước. Các tuyến đường Ông Ích Khiêm, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Hùng Vương... bị ngập sâu, giao thông ách tắc. Nhiều hộ gia đình đã phải di dời tài sản đến nơi an toàn.

Theo thống kê sơ bộ ban đầu của các địa phương trên địa bàn thành phố, tính đến đầu giờ chiều 9/12, mưa lớn đã khiến quận Hải Châu ngập úng cục bộ, trong đó nặng nhất là phường Hòa Thuận Tây bị ngập tại khu vực 3 ao sen vàng gồm các tổ dân phố từ 31 - 35.

Đặc biệt, tại các ngõ 640, 664 thuộc đường Trưng Nữ Vương bị ngập sâu 1,2 m, lực lượng cứu hộ đã kịp thời đưa hai mẹ con cháu bé 4 tuổi và 5 sinh viên thuê trọ ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện các lực lượng cứu hộ đang vận chuyển mì tôm, nước uống vào khu vực này. Khu vực các phường Thạch Thang, Hòa Cường Bắc, Hòa Thuận Đông ngập cục bộ từ 30 cm - 1 m khiến giao thông đi lại rất khó khăn.

Giao thông đi lại khó khăn do mưa lớn gây ngập đường tại Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Tại quận Ngũ Hành Sơn, mưa lớn đã gây ngập cục bộ tại một số khu vực phường Hòa Quý, phường Hòa Hải từ 30 - 50 cm. Các khu vực Trung Nghĩa 3, Phước Lý, Đà Sơn, Hồng Phước thuộc quận Liên Chiểu ngập cục bộ.

Tại quận Thanh Khê, mưa lớn gây ngập dưới chân cầu vượt Ngã ba Huế khiến cho việc di chuyển, đi lại của người dân đến bến xe trung tâm thành phố và tuyến đường chính Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, mực nước trên các sông thuộc địa bàn huyện Hòa Vang đang lên đã khiến một số khu vực của các xã Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Tiến, Hòa Châu... bị ngập cục bộ từ 20 cm - 1 m... Mưa lớn cũng đã khiến một số diện tích rau trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn bị thiệt hại.

Trước tình hình trên, thành phố Đà Nẵng đã thông báo cho gần 2.000 học sinh thuộc trường tiểu học (quận Hải Châu) và Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hiền được nghỉ học trong ngày 10/12 để đảm bảo an toàn. Hiện hai trường này bị ngập sâu từ 0,8 m - 1,5 m.

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lũ đã cuốn trôi 2 người (bà Lữ Thị Tú Anh, sinh năm 1955 và chị Nguyễn Lữ Vân Anh, sinh năm 1983) tại khu phố số 2, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Đến khoảng 9 giờ ngày 9/12, các lực lượng chức năng tại tỉnh Quảng Trị đã tìm thấy thi thể nạn nhân.

Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, do mưa lớn, một số tuyến đường 628 (Thanh An - Long Môn), tuyến Long Mai - Long Hiệp - Thanh An bị sạt lở gây ách tắc giao thông cục bộ tại huyện Minh Long. Tại huyện Nghĩa Hành, các xã Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Đức và thị trấn Chợ Chùa, nước lũ đã gây ngập úng một số khu vực dân cư trũng, thấp với mức ngập trung bình từ 10 - 30 cm.

Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị ngập sâu trong nước, trên nhiều tuyến đường lớn của thành phố Tam Kỳ như Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Lý Thường Kiệt, Tôn Đức Thắng…, mực nước dâng cao từ 0,5 - 1 m. Do nước dâng cao đột ngột, hệ thống thoát nước của thành phố không kịp xử lý làm ảnh hưởng tới tình hình giao thông trên địa bàn.

Nhiều phương tiện xe máy, xe ô tô của người tham gia giao thông bị chết máy trên đường. Tại thành phố Hội An, mực nước trên sông Hoài cũng dâng cao gây ngập lụt ở một số tuyến đường ven sông. Mưa lớn gây chia cắt một số tuyến đường của các huyện Đại Lộc, Bắc Trà My. Vùng rau Bàu Tròn ở xã Đại An (huyện Đại Lộc) cũng bị ngập trên diện rộng.

Bờ kè Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị bị sạt lở sau trận mưa. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng khẩn trương tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa, lũ; đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ nhỏ đã đầy nước, chủ động nắm bắt, xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng mưa lũ cần kiểm tra, rà soát khu vực trũng thấp, có nguy cơ ngập lụt, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và các địa bàn thường xuyên bị lũ chia cắt để chủ động sơ tán dân, đảm bảo an toàn về người, tài sản; tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực giao thông bị ngập để đảm bảo an toàn.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tăng cường cán bộ, phương tiện để nâng cao hiệu quả công tác trực ban, tham mưu ứng phó với mưa lũ; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Ngày 9/12, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, lúc 6 giờ 50 phút, ngày 9/12, tại bờ biển phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, xà lan CT 02466 chở 370 m3 cát, đang neo thì bị đứt dây trôi dạt ra biển và chìm. Quá trình trôi dạt đã va chạm làm hư hỏng 21 phương tiện khác. Lực lượng Bộ đội Biên phòng Bạc Liêu đã điều 14 cán bộ, chiến sỹ tham gia cứu hộ và khắc phục hậu quả./.

Xem thêm:

>>Đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt do mưa lớn

>>Mưa lớn, Đà Nẵng cho gần 2.000 học sinh nghỉ học trong ngày 10/12

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục