Mùa nước nổi về hồi sinh vùng châu thổ

16:31' - 16/08/2017
BNEWS Sau bao năm vùng châu thổ rộng lớn không có mùa nước nổi, thì năm nay người dân nơi đây đã được đón mùa nước nổi với bao hy vọng "làm mới" lại đồng ruộng, mang cá tôm đầy đồng cho người dân đánh bắt.
Đánh bắt cá linh đầu mùa ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

So với chu kỳ lũ nhiều năm ở Đồng bằng sông Cửu Long, mùa lũ (mùa nước nổi) năm nay về đúng hẹn. Ngay từ trung tuần tháng 7 dương lịch nước lũ đã "nhảy bờ ruộng" khiến ít nhiều diện tích lúa ở Long An, Đồng Tháp bị ngập.

Sau bao năm vùng châu thổ rộng lớn này không có mùa nước nổi, thì năm nay người dân nơi đây đã được đón mùa nước nổi với bao hy vọng "làm mới" lại đồng ruộng, mang cá tôm đầy đồng cho người dân đánh bắt. Nghề đóng ghe, đan lưới, làm dụng cụ đánh bắt cá hồi sinh trở lại sau bao năm vắng bóng...

Năm năm qua, mùa nước nổi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vắng bóng, có khi lũ về nhưng với mực nước thấp, khiến người dân sinh sống ở đây quen dần với thời điểm lũ về muộn. Tuy nhiên, mùa lũ năm 2017 lại về đúng hẹn vào dịp tháng 8 như trước đây.

Theo ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập Đồng bằng sông Cửu Long, muốn hiểu và dự báo về thủy văn phải dựa trên chuỗi số liệu. Thống kê từ năm 1926 đến nay, có những giai đoạn từ 5 đến 10 năm sẽ có 1 năm lũ lên cao, những năm tiếp theo sẽ đi xuống.

Năm 2016 là năm thời tiết rơi vào cực đoan nhất trong chu kỳ 5 năm của khu vực này. Vì vậy, sang năm 2017, thời tiết và thủy văn trở lại đúng chu kỳ là lũ về đúng thời điểm, thay vì lũ về muộn vào thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10 như những năm qua.

Được các ngành chức năng dự báo lũ về sớm, chính quyền ở các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên có động thái chuẩn bị phương tiện, giải pháp giúp người sản xuất tránh thiệt hại tối đa khi lũ về; tuy nhiên còn một số diện tích lúa Hè Thu bị ảnh hưởng vì nằm ngoài vùng đê bao khép kín.

Tiểu thương buôn bán cá linh tại chợ thị xã Hồng Ngự. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, lũ về sớm hơn so với cùng kỳ năm 2016 là một tháng, làm ảnh hưởng diện tích lúa Hè Thu vùng Đồng Tháp Mười; phải kể đến các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh của tỉnh Long An.

Từ đầu tháng 7/2017, Sở Nông nghiệp Long An tham mưu UBND tỉnh Long An có công điện gửi đến các địa phương trong khu vực dự báo lũ về, sẵn sàng phương tiện, gia cố đê bao, chuẩn bị thu hoạch trước lũ và các phương tiện hoạt động trong mùa lũ, giảm thiểu thiệt hại.

Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam dự báo, mực nước ngày 16/8 tại trạm Tân Châu trên sông Tiền là 3,13 mét, tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu là 2,63 mét. Trong thời điểm nước rong (nước lớn) của triều cường, cộng với thời điểm lũ về, ảnh hưởng từ các cơn bão, mưa nhiều nơi đầu nguồn, mực nước tại 2 trạm này mới có khả năng dâng cao.

Tuy nhiên, mực nước hiện vẫn nằm dưới mức báo động I (3,5 mét tại Tân Châu, 3 mét tại Châu Đốc) nên không lo ngại. Mực nước này cũng đang có chiều hướng giảm dần trong 3 ngày tới với cường suất trung bình 1,3 cm/ngày vì ảnh hưởng nước kém của triều cường.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cây lương thực và cây ngắn ngày, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, dựa trên dự báo lượng mưa của Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam có thể thấy, lượng mưa trong tháng 6/2017 tại trạm Kratie (Campuchia) cao hơn lượng mưa trung bình nhiều năm.

Thêm vào đó là ảnh hưởng từ những cơn bão đổ vào miền Trung khiến lượng mưa càng tăng. Thực tế này khiến lượng nước đổ về trong thời điểm tháng 7, tháng 8 nhiều hơn. Đây là cơ hội mang nguồn lợi thủy sản về vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều hơn so với những năm trước đây; nguồn cá linh cũng nhiều hơn những năm trước.

Bên cạnh đó, lũ về sớm hơn những năm trước giúp cho đồng ruộng vùng Đồng bằng sông Cửu Long được thau chua rửa phèn, bổ sung lượng phù sa, giúp diệt chuột, sâu bệnh trên đồng. Vụ lúa Đông Xuân sắp tới, nông dân sẽ giảm nhiều chi phí sản xuất lúa và năng suất lúa cao hơn nhờ nguồn dinh dưỡng tự nhiên.

Song song với việc ứng phó lũ về sớm trong thời điểm này, các tỉnh vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười chủ động xây dựng lịch thời vụ phù hợp với thời điểm nước lên, lũ về như dự báo.

Cá linh non được bán giá rất cao từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An sẽ lên lịch thời vụ, thông báo thời điểm xuống giống tới từng địa bàn, giúp giảm thiệt hại cho dân và giảm hỗ trợ cứu lúa khi lũ về.

Chính quyền địa phương các huyện trong vùng lũ hướng dẫn nông dân cách sản xuất và sống chung với lũ. Nếu địa phương tập trung vào 2 vụ mang lại hiệu quả, năng suất cao hơn; chỉ cần hộ dân có sự đồng thuận cao thì việc thực hiện lịch thời vụ sẽ dễ dàng.

Các chuyên gia nghiên cứu Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, hy vọng mùa lũ năm nay sẽ lớn, giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long cân bằng hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản, sản xuất nông nghiệp thuận lợi và đặc biệt sẽ hạn chế hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng như những năm trước đây.

Song song đó, chính quyền địa phương các tỉnh có kế hoạch sản xuất thích nghi với thời điểm lũ về, tránh thiệt hại lớn nhất cho người dân./.

>>> Nhộn nhịp làng nghề mùa nước nổi tại Đồng Tháp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục