Mức thưởng Tết Đinh Dậu cao nhất là 1 tỷ đồng tại doanh nghiệp dân doanh ở Tp. Hồ Chí Minh

20:35' - 09/01/2017
BNEWS Mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 4,9 triệu đồng/người), bằng 96% so với năm 2016 (5,1 triệu đồng/người).
Mức thưởng Tết Đinh Dậu cao nhất là 1 tỷ đồng tại doanh nghiệp dân doanh ở Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 9/1 đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình lương, thưởng Tết của 23.495 doanh nghiệp với 3,72 triệu đồng/người đóng trên các địa bàn.

Về tiền lương, thưởng dịp Tết Dương lịch, 70% doanh nghiệp báo cáo có phương án thưởng; mức thưởng bình quân 1,253 triệu đồng/người, tăng 6,2% so với năm 2017.

Người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở Thành phố Hồ Chí Minh là 1 tỷ đồng (năm 2016 cũng tại doanh nghiệp FDI ở Thành phố Hồ Chí Minh là 2,028 tỷ đồng).

Mức thưởng thấp nhất là 30 nghìn đồng tại doanh nghiệp FDI ở tỉnh Thanh Hóa (bằng với năm 2016).

Về tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán, 83,5% số doanh nghiệp có báo cáo cụ thể phương án thưởng; mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 4,9 triệu đồng/người), bằng 96% so với năm 2016 (5,1 triệu đồng/người).

Người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp dân doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh là 1 tỷ đồng (doanh nghiệp FDI ở Hải Dương năm 2016 là 624 triệu đồng).

Mức thưởng thấp nhất là 50 nghìn đồng/người tại doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Bến Tre, các doanh nghiệp FDI ở các tỉnh Thái Bình, Tây Ninh, Hải Dương (so với năm 2016 là 40 nghìn đồng/người).

Hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng cuối năm (nhân dịp Tết), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp phối hợp với tổ chức công đoàn tìm giải pháp tiết kiệm các chi phí để chia sẻ, hỗ trợ người lao động trong dịp Tết.

Tiền lương và thu nhập có xu hướng ổn định, tăng so với năm 2015

Để cung cấp thông tin tiền lương trên thị trường lao động phục vụ công tác quản lý, năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã điều tra tình hình lao động, tiền lương của 2.000 doanh nghiệp (quy mô lao động bình quân 360 người/doanh nghiệp) tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm của cả nước. Kết quả cho thấy tiền lương và thu nhập có xu hướng ổn định, tăng so với năm 2015.

Cụ thể, tiền lương bình quân ước thực hiện năm 2016 là 5,71 triệu đồng/tháng (tăng 7,5% so với năm 2015: 5,31 triệu đồng/tháng). Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện năm 2016 là 7,08 triệu đồng/tháng (tăng 1,85% so với năm 2015: 6,98 triệu đồng/tháng); Công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước ước thực hiện năm 2016 là 6 triệu đồng/tháng (tăng 2,56% so với năm 2015: 5,85 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp dân doanh ước thực hiện năm 2016 là 5,47 triệu đồng/tháng (tăng 10,06% so với năm 2015: 4,97 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp FDI ước thực hiện năm 2016 là 5,69 triệu đồng/tháng (tăng 8,58% so với năm 2015: 5,24 triệu đồng/tháng).

Thu nhập bình quân ước thực hiện năm 2016 là 6,03 triệu đồng/tháng (tăng 5,4% so với năm 2015: 5,72 triệu đồng/tháng). Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện năm 2016 là 7,75 triệu đồng/tháng (tăng 2,78% so với năm 2015: 7,54 triệu đồng/tháng); Công ty cổ phần có vốn góp chi phối Nhà nước ước thực hiện năm 2016 là 6,48 triệu đồng/tháng (tăng 0,15% so với năm 2015: 6,47 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp dân doanh ước thực hiện năm 2016 là 6,04 triệu đồng/tháng (tăng 7,86% so với năm 2015: 5,60 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp FDI ước thực hiện năm 2016 là 5,70 triệu đồng/tháng (tăng 6,74% so với năm 2015: 5,34 triệu đồng/tháng).

Năm 2016, bên cạnh những thuận lợi về kinh tế vĩ mô, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục ổn định; có hơn 110 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, cả năm có 60.667 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 12.478 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 31,8% so với năm 2015... ảnh hưởng đến tiền lương và thu nhập của người lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục