Mục tiêu tăng trưởng trên 8%: Động lực từ kinh tế tư nhân

18:15' - 19/02/2025
BNEWS Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với tỷ trọng đầu tư chiếm tới 55% trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên 8%.
Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên vừa đã được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 19/2. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, vấn đề then chốt là phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bởi trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, đầu tư tư nhân chiếm 55%. Đây là yếu tố quyết định cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%.

Báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế cũng ghi nhận rằng, tại Việt Nam, kinh tế tư nhân đã từng bước khẳng định vai trò và là động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân không chỉ đóng góp lớn cho quy mô tăng trưởng GDP, với khoảng 30% thu nộp ngân sách Nhà nước và hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; mà còn giúp tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động trên cả nước. Đáng nói, kinh tế tư nhân cũng chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, sau gần 40 năm đổi mới và phát triển năng động, tại Việt Nam đang hình thành những doanh nghiệp có triển vọng vươn tầm khu vực và vượt ra phạm vi toàn cầu như Viettel, FPT, Hoà Phát, Vingroup… Để có một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu trong kỷ nguyên mới, Việt Nam cần có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam sánh vai cùng các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như ở Hàn Quốc có Samsung, Hyundai, LG, SK…; Trung Quốc có Tencent, Alibaba, Huawei, BYD,… hay Đài Loan (Trung Quốc) có TSMC, Foxconn, Pegatron…

Từng có nhiều băn khoăn về câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam không thể làm nổi ốc vít cho các doanh nghiệp điện tử FDI; nhưng nay, thật vui mừng chứng kiến đã có một FPT sánh vai cùng Nvidia xây dựng nhà máy AI, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trí tuệ nhân tạo của thế giới; có một Viettel với các khí tài quân sự hiện đại; có một VinFast “đi sau về trước” với công nghiệp ô tô, sản xuất xe điện vì tương lai xanh; có Hòa Phát đảm bảo năng lực làm được đường ray cho “công trình thế kỷ” đường sắt cao tốc vừa được Quốc hội phê duyệt chủ trương. Doanh nghiệp của Việt Nam giờ đã có thể sản xuất chip, máy bay, tên lửa... khẳng định năng lực làm chủ công nghệ và tham gia sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch VCCI, lời hiệu triệu “Kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư cùng với chỉ đạo “bỏ tư duy không quản được thì cấm" và yêu cầu “xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động, và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu” , chắc chắn sẽ tạo làn gió mới, thôi thúc khát vọng của các doanh nhân, doanh nghiệp; đặc biệt là ở khu vực kinh tế tư nhân nỗ lực nhiều hơn để đóng góp vì đất nước.

Bình luận về những thách thức hiện tại của kinh tế tư nhân hiện nay, ThS. Trần Thị Hoa, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp cho rằng, qua nhiều năm nỗ lực cải thiện, đến nay, khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa khắc phục được một vài hạn chế như thiếu sự liên kết, khó tạo ra tiếng nói chung để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; trình độ quản lý của các chủ doanh nghiệp còn thấp, đa số trưởng thành từ kinh nghiệm thực tiễn và chỉ có một số ít được đào tạo qua trường lớp chính quy về kinh tế hay quản trị doanh nghiệp; cũng như không có bằng cấp chuyên môn nên các chủ doanh nghiệp tư nhân khó khăn trong việc cạnh tranh nhất trong điều kiện hội nhập như hiện nay.

Ngoài ra, năng lực công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân còn lạc hậu, đầu tư cho đổi mới công nghệ chưa nhiều, thậm chí thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc…, dẫn đến năng suất lao động không cao, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thấp, kể cả thị trường trong và ngoài nước. Cũng do năng lực cạnh tranh thấp, quy mô hoạt động lại nhỏ nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Thêm vào đó, trình độ lao động của các doanh nghiệp chưa cao, thiếu nhân lực giỏi và đa số không được đào tạo bài bản, kỹ năng thấp nên rất khó tiếp thu tiến bộ khoa học, khó gia tăng năng suất lao động. Cuối cùng, doanh nghiệp tư nhân luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh; trong khi nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước vẫn còn ngặt nghèo nên việc tự lực để tiếp cận nguồn tài chính ngân hàng cũng không thuận lợi và dễ dàng.

Từ những tồn tại, hạn chế này, Ths Trần Thị Hoa phân tích nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý Nhà nước về kinh tế; đặc biệt là quản lý Nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân. Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch.

Để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, gia tăng những chính sách, cơ chế mới mang lại sự thuận lợi hoá trên nhiều bình diện giúp các doanh nghiệp vận hành hiệu quả, đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị, cần có những giải pháp đột phá như: về thể chế chính sách, cơ quan Nhà nước các cấp theo thẩm quyền cần khẩn trương ban hành khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa và củng cố định hướng chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua; trong đó, tập trung vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân một cách thực chất qua các chính sách hỗ trợ về lãi suất, ưu đãi về thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng...; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và các giải pháp tài chính, tín dụng; thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết tích cực giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế. Đồng thời, khắc phục triệt để tình trạng các doanh nghiệp lớn chi phối, lấn át các doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội.

Thêm vào đó, cần thực hiện triệt để cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân qua việc xây dựng cơ chế “một cửa điện tử”, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính; trong đó, tập trung vào cải thiện việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; giảm thời gian, chi phí tuân thủ các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Cuối cùng, theo ông Tô Hoài Nam, cần hoàn thiện pháp luật về chế độ sở hữu rõ ràng để góp phần ngăn ngừa xung đột trong xã hội, góp phần phân bổ nguồn lực hiệu quả; khi pháp luật về sở hữu rõ ràng thì tự nó sẽ đặt ra một trật tự có giới hạn cho các quyền của các chủ thể trong xã hội được bảo đảm, theo đó các doanh nghiệp sẽ biết trân trọng sự hợp tác và gắn kết nhiều hơn; tỉ lệ doanh nghiệp nói không với “chi phí ngầm” sẽ tăng và sự cạnh tranh lành mạnh sẽ thực sự trở thành động lực chính yếu giữa các doanh nghiệp, đó chính là thành tố cực kỳ quan trọng để tạo nên môi trường kinh doanh bền vững…

Đồng quan điểm, TS Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội kiến nghị thêm, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, giám sát việc các cấp, các ngành thực thi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Lúc này, thực sự, doanh nghiệp đang rất mong chờ vào những cải cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng thể chế minh bạch và hiệu quả để cùng đóng góp công sức vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước lên mức 8% trở lên như kỳ vọng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục