Mũi tiêm tăng cường là cần thiết, đặc biệt với biến thể Omicron

09:41' - 08/12/2021
BNEWS Nhiều chuyên gia đã khuyến cáo việc tiêm vaccine COVID-19 mũi tăng cường là điều kiện cần thiết nhằm giúp con người tăng thêm miễn dịch và tăng thời gian bảo vệ đạt được của các loại vaccine hiện có.

* Mũi tiêm tăng cường là cần thiết

Chỉ hơn 2 tuần sau khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện và công bố tại Nam Phi, biến thể siêu đột biến Omicron đã lan nhanh trên thế giới, hiện đã có mặt tại hơn 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trải khắp các châu lục.

Trong khi các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để giải mã biến thể mới thì chính phủ các nước đang tìm cách tăng cường tuyến phòng thủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Biến thể Omicron được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác, bởi vậy các chuyên gia nhận định rằng các mũi tiêm vaccine bổ sung và nhắc lại là cần thiết để nâng cao mức độ kháng thể và tăng cường khả năng chống lại các tác động của virus đối với cơ thể, nhất là khi biến thể Omicron đang hoành hành.

Giới khoa học thông qua các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine ngừa COVID-19 đều giảm dần theo thời gian, do đó khuyến nghị chính phủ các nước cần tiêm mũi tăng cường, thậm chí tiêm vaccine ngừa COVID-19 hằng năm như vaccine cúm để phòng chống dịch bệnh dai dẳng này.

Theo các nhà nghiên cứu việc tiêm mũi tăng cường sau ít nhất 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ 2 sẽ mang lại lợi thế miễn dịch, tăng thời gian bảo vệ đạt được của các loại vaccine hiện có.

Trong một nghiên cứu mới được công bố ngày 2/12, giới khoa học Anh đã chỉ ra rằng tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của các hãng Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA đạt hiệu quả cao nhất giúp thúc đẩy kháng thể mạnh mẽ nhất nếu được dùng làm liều tiêm bổ sung sau 10 đến 12 tuần kể từ khi hoàn thành mũi tiêm thứ 2.

Theo nghiên cứu "COV-Boost" được giới chức Anh công bố thì các nhà khoa học Anh đã đánh giá hiệu quả của 7 loại vaccine gồm vaccine của AstraZeneca, Novavax, Johnson & Johnson, Curevac, Valneva, Pfizer và Moderna.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 6 trong số 7 loại vaccine kể trên đều tăng cường khả năng miễn dịch ở những người ban đầu tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech, trong khi cả 7 loại vaccine này đều tăng cường khả năng miễn dịch ở người đã tiêm 2 mũi vaccine của AstraZeneca. 

Cụ thể, một liều hay nửa liều vaccine của Pfizer hoặc một liều vaccine của Moderna tăng cường đều làm tăng kháng thể ngừa COVID-19 và mật độ tế bào T ở người tiêm bất kể trước đó người tiêm sử dụng vaccine của Pfizer hay AstraZeneca. 

Với vaccine của AstraZeneca, Novavax, Johnson & Johnson và Curevac khi được sử dụng làm mũi tăng cường, các loại vaccine này cũng làm tăng kháng thể ở người trước đó đã tiêm chủng bất kỳ loại vaccine nào, song với mức độ nhỏ hơn. Chỉ duy nhất vaccine của Valneva không làm tăng kháng thể ở người trước đó đã tiêm vaccine của Pfizer.

Giáo sư Saul Faust, nhà miễn dịch học tại Đại học Southampton đứng đầu nghiên cứu trên, khẳng định hiệu quả của việc tiêm mũi tăng cường, dù sử dụng vaccine của hãng nào, giống hay khác với vaccine tiêm ban đầu. 

Nghiên cứu cho thấy các mũi tiêm tăng cường cũng giúp tạo ra một phản ứng rộng rãi của tế bào T chống lại các biến thể Beta và Delta-yếu tố có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêm trong thời gian dài.

* Nhiều nước trên thế giới triển khai tiêm mũi tăng cường

Cùng chung nhận định với các nhà khoa học, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khẳng định tiêm vaccine vẫn là giải pháp căn cơ để ứng phó với những biến thể mới như Omicron. Đây cũng là nhận định chung của các hãng sản xuất vaccine lớn hiện nay, trong đó có Pfizer/BioNTech hay Đại học Oxford/AstraZeneca.

Theo bà Maria Van Kerkhove-Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong vì COVID-19 ở những người đã tiêm phòng đầy đủ thấp hơn đáng kể so với những người chưa tiêm.

Về biến thể Omicron, đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay không có tác dụng chống lại biến thể này. Bà Maria Van Kerkhove khẳng định, vaccine sẽ giúp ngăn chặn nhiều ca tử vong, kể cả trong trường hợp hiệu quả của vaccine giảm.

Đây cũng là lý do nhiều nước trên thế giới hiện đang đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine cho những nhóm dễ bị tổn thương, trẻ em và tiêm mũi tăng cường nhằm tạo thêm "lá chắn" trước sự thay đổi liên tục của virus.

Tại châu Âu, hầu hết các nước triển khai chương trình tiêm chủng tăng cường cho người ức chế miễn dịch. Một số nước như Anh, Đức, Pháp còn mở rộng tiêm mũi tăng cường với người cao tuổi. Điều này là bởi các nhà khoa học Anh đã đưa ra một số bằng chứng gần đây cho thấy miễn dịch do vaccine tạo ra có thể giảm dần theo thời gian, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Mặt khác, các dữ liệu nghiên cứu của Israel cho thấy, mũi tăng cường có hiệu quả đáng kể nhằm giảm tỷ lệ nhập viện do COVID-19.

Các nước gồm Áo, Hungary, Nga, Romania, Serbia và Slovakia đã cho phép tiêm chủng mũi tăng cường với người có hệ miễn dịch kém, người già, người dễ bị tổn thương. Bỉ, Bulgaria khuyến nghị tiêm mũi tăng cường cho đội ngũ y tế tuyến đầu chống dịch, những người bị ức chế miễn dịch, người sống trong các viện dưỡng lão và người trên 65 tuổi…

Tại châu Á, Campuchia bắt đầu triển khai chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường từ ngày 12/8, ban đầu ưu tiên tiêm mũi bổ sung cho các nhân viên y tế, viên chức và các lao động tuyến đầu. Chiến dịch được mở rộng đại trà từ ngày 11/10/2021.

Bộ Y tế Lào ngày 3/12 cũng đã khuyến nghị người từng mắc COVID-19 hoặc người đã tiêm 2 mũi vaccine nên tiêm mũi nhắc lại để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Bộ Y tế Lào cho biết người có đủ điều kiện tiêm mũi vaccine tăng cường có thể lựa chọn bất kỳ loại vaccine nào sẵn có như vaccine của các hãng Pfizer, Johnson & Johnson, AstraZeneca.

Chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường cho người trước đó đã tiêm vaccine của Sinopharm có thể được triển khai vào tháng 1/2022. Hiện tại, nhiều nhân viên y tế tại Lào đã được tiêm mũi vaccine thứ 3 không cùng loại với các mũi vaccine tiêm trước đó.

Indonesia cũng đã tiêm chủng mũi tăng cường, áp dụng trước hết với đội ngũ y tế và dự kiến tiêm đại trà từ tháng 1/2022. Hàn Quốc tiêm mũi tăng cường cho người có nguy cơ cao hoặc người có hệ miễn dịch kém.

Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan dùng vaccine AstraZeneca để tiêm mũi tăng cường cho những người đã tiêm vaccine Sinovac. Trung Quốc cũng tiêm chủng mũi vaccine thứ ba cho người dân sau khi khoảng 80% dân số đã tiêm đủ 2 mũi.

Chính phủ Nhật Bản ngày 1/12 đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 cho đối tượng là nhân viên y tế. Đối tượng ưu tiên tiêm mũi vaccine tăng cường sau nhân viên y tế là người trên 65 tuổi. Sau các đối tượng ưu tiên, Nhật Bản sẽ triển khai tiêm mũi tăng cường cho người dân trên cả nước, sớm nhất là từ tháng 1/2022.

Israel từ ngày 30/7 đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine nhắc lại mũi thứ ba cho những người trên 60 tuổi nhằm tăng khả năng đề kháng đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao bệnh trở nặng và tử vong nếu mắc COVID-19.

Đây là một trong những biện pháp được Chính phủ Israel đưa ra nhằm đối phó với làn sóng dịch mới do biến thể Delta gây ra. Kể từ cuối tháng 8, Israel đã tiêm mũi tăng cường cho những người từ 16 tuổi trở lên sau 5 tháng hoàn thành mũi thứ 2.

Các quan chức y tế Israel công bố dữ liệu cho biết các mũi tiêm tăng cường đã giúp nước này chống chọi với làn sóng dịch bệnh thứ 4 trong tháng 8 và tháng 9. Trong tháng 10, tỷ lệ những người trên 60 tuổi chỉ tiêm 2 mũi vaccine mắc COVID-19 nghiêm trọng cao gấp 5 lần so với những người tiêm 3 mũi.

Tại Mỹ Latinh, Bộ Y tế Cuba ngày 5/12 thông báo đã hoàn thành tiêm ngừa COVID-19 cho 83% dân số và sẽ bắt đầu tiêm liều tăng cường cho người dân tại 4 quận của thủ đô La Habana. Những người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh và những người đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 với bất kỳ loại vaccine nào trước đó 6 tháng sẽ được tiêm thêm 1 liều vaccine Abdala để tăng khả năng bảo vệ trước đại dịch.

Trước đó, ngày 7/11, Bộ Y tế Cuba đã triển khai tiêm mũi tăng cường cho nhân viên tuyến đầu và các nhóm dễ bị tổn thương. Hơn 360.000 người đã được tiêm trong đợt này.

Mỹ từ cuối tháng 9 đã cho phép tiêm mũi vaccine thứ ba của Pfizer/BioNTech cho những người từ 65 tuổi trở lên và những người có nguy cơ cao bị bệnh nặng do bệnh lý nền hoặc có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn do tính chất công việc của mình, như nhân viên y tế, nhân viên bán hàng tạp hóa.  

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cuối tháng 10 cũng đã cho phép tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 của Moderna và Johnson & Johnson đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.  Cho đến nay đã có khoảng 33 triệu người dân Mỹ được tiêm mũi tăng cường. Chính phủ Mỹ đã mở rộng tiêu chí xét tiêm mũi tăng cường cho tất cả người dân trưởng thành…/.      

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục