Muội than cướp đi 23.000 sinh mạng mỗi năm ở EU

07:07' - 07/07/2016
BNEWS Tình trạng ô nhiễm muội than do hoạt động của nhà máy nhiệt điện tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã gây ra các bệnh lý về phổi, cướp đi sinh mạng của 23.000 người dân ở khu vực này mỗi năm.
Muội than cướp đi 23.000 sinh mạng mỗi năm ở EU. Ảnh: reuters

Tình trạng ô nhiễm muội than do hoạt động của các nhà máy nhiệt điện tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã gây ra các bệnh lý về phổi, cướp đi sinh mạng của 23.000 người dân ở khu vực này mỗi năm và gây thiệt hại hàng chục tỷ USD chi phí chăm sóc y tế.

Đây là nội dung báo cáo do các nhà khoa học thuộc 4 tổ chức môi trường và thiên nhiên quốc tế công bố.

Theo báo cáo trên, toàn khu vực EU hiện có 280 nhà máy nhiệt điện đốt bằng than.

Tuy nhiên, dữ liệu sẵn có của 257 nhà máy cho thấy trong năm 2013, lượng khí thải từ các nhà máy này có liên quan đến 22.900 trường hợp chết sớm.

Khoảng 83% số ca tử vong này (19.000 người) được cho là do hít phải các hạt siêu nhỏ mịn bay trong không khí và trong quá trình hô hấp các hạt này dễ dàng thâm nhập vào phổi và mạch máu.

Báo cáo nêu đích danh các nước là thủ phạm chính gây ra tình trạng trên gồm Ba Lan, Đức, Romania, Bulgaria và Anh.

Bản thân các nước này cùng một số nước láng giềng như Đức, Italy, Pháp, Hy Lạp đã phải gánh chung hậu quả.

Ngoài các trường hợp tử vong nếu trên, báo cáo cho biết thêm cũng trong năm 2013, tình trạng ô nhiễm muội than tại khu vực EU đã làm gia tăng số ca mới bị viêm phế quản mãn tính lên 12.000 trường hợp và khiến hơn 500.000 trẻ em mắc bệnh hen.

Thực trạng này đã khiến chi phí y tế tăng vọt, gây thiệt hại kinh tế trong khoảng từ 36 đến 70 tỷ USD.

Do tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề, những năm gần đây một số nước châu Âu đã cắt giảm hoạt động của các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, chuyển sang các nguồn cung cấp điện từ gió và năng lượng Mặt Trời, song lượng khí thải từ than đá vẫn chiếm 18% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU trong năm 2014 và hoạt động nhiệt điện than đá chiếm 1/4 tổng nguồn cung điện năng của khu vực này trong năm 2015.

Báo cáo trên do các nhà nghiên cứu thuộc 4 tổ chức phi chính phủ là Liên minh Môi trường và Sức khỏe (HEA), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), Mạng lưới Hành động Môi trường tại châu Âu và tổ chức Sandbag, tiến hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục