Muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia chặn được sốt xuất huyết Dengue và vi rút Zika

15:43' - 30/03/2016
BNEWS Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã nghiên cứu loại muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia có khả năng ngăn chặn 2 loại dịch bệnh nêu trên.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và bệnh do vi rút Zika hiện nay đang là vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu.

Theo GS. TS Đặng Đức Anh, Giám đốc Viện dịch tễ Trung ương, tại Việt Nam, bệnh SXHD đang là vấn đề y tế công cộng rất lớn. Bệnh gây dịch ở cả 4 khu vực Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên với số mắc hàng năm lên tới vài chục nghìn trường hợp.  

Bệnh SXHD được lây truyền qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn),là loại muỗi hiện đang lưu hành ở hầu hết các tỉnh/thành phố ở Việt Nam. Loại muỗi này chỉ đóng vai trò trung gian truyền bệnh do vi rút từ người sang người chứ không làm “phát sinh” ra bất cứ loại virút nào. Muỗi Aedesaegypti chỉ bị nhiễm vi rút gây bệnh sốt xuất huyết  khi chúng hút máu người bị nhiễm vi rút và muỗi không truyền vi rút cho thế hệ sau.

Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn),là loại muỗi hiện đang lưu hành ở hầu hết các tỉnh/thành phố ở Việt Nam. Ảnh: Reuters

Hiện nay công tác phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng, chống chủ yếu có hiệu quả là dựa vào kiểm soát muỗi truyền bệnh.

Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã hợp tác với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hoà và các nhà khoa học của Đại học Monash (Australia) bắt đầu nghiên cứu về vi khuẩn Wolbachia , được triển khai trên địa bàn đảo Trí Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Vi khuẩn Wolbachia tồn tại sẵn trong tự nhiên, được tìm thấy ở trên 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người như ruồi giấm, muỗi nâu, châu chấu, bướm, chuồn chuồn,… và khi được gây nhiễm trên muỗi vằn, nó có khả năng khống chế sự phát triển của vi rút Dengue và một số vi rút khác trong cơ thể muỗi và hạn chế nguy cơ lây nhiễm vi rút sang con người khi bị muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia giống như đã được “tiêm vắc-xin” phòng bệnh SXHD (không truyền bệnh sang cho con người) và các con muỗi cái lại truyền vi khuẩn Wolbachia sang các thế hệ sau. 

Đây được đánh giá là phương pháp an toàn cho con người, động vật và môi trường. Một điều quan trọng đáng nói ở đây là muỗi mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gen vì hệ thống gen của muỗi không hề bị thay đổi cũng như không có bất cứ sự can thiệp nào vào gen của muỗi.

Muỗi mang vi khuẩn Wolbachia được sử dụng ở đảo Trí Nguyên cũng không phải muỗi ngoại lai mà là muỗi có nguồn gốc địa phương (đảo Trí Nguyên). Muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia đã được sử dụng tại các hộ gia đình trên đảo Trí Nguyên trong hai đợt, tháng 4-9/2013 và tháng 5-11/2014.

Đến nay muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia vẫn tự duy trì trên đảo và truyền khả năng phòng bệnh (vi khuẩn Wolbachia) cho các thế hệ muỗi sau qua con đường sinh sản tự nhiên.

Điều đặc biệt là, dù mục tiêu chính của nghiên cứu là ứng dụng muỗi mang vi khuẩn  Wolbachia để phòng, chống bệnh SXHD, tuy nhiên các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy vi khuẩn Wolbachia còn có khả năng ức chế một số loại vi-rút gây sốt xuất huyết khác như Chikungunya và Zika.

Hiện tại các nhà khoa học Việt Nam và Australia vẫn đang tiếp tục theo dõi, phân tích và đánh giá kết quả nghiên cứu. Hy vọng nghiên cứu này thành công sẽ góp phần tích cực cho công tác phòng, chống SXHD và một số bệnh lây truyền qua muỗi Aedes aegypti ở nước ta trong thời gian tới./.

Xem thêm:  Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp dương tính với vi rút Zika

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục