Mỹ dự kiến tăng mạnh thuế đối với gỗ xẻ mềm Canada

08:08' - 15/08/2024
BNEWS Mỹ dự kiến tăng mạnh thuế đánh vào mặt hàng gỗ xẻ mềm nhập khẩu từ Canada lên đến 14,54%, tăng từ mức 8,05%. 

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ trưởng Xúc tiến xuất khẩu, Thương mại quốc tế và Phát triển kinh tế Canada, Mary Ng, cho rằng mức tăng này là đáng thất vọng.

Thuế của Mỹ là vô căn cứ và không công bằng đối với gỗ xẻ mềm, gây tổn hại không thể biện minh cho người tiêu dùng và nhà sản xuất ở cả hai bên biên giới. Biện pháp mới nhất này sẽ tác động tiêu cực đến người lao động và các cộng đồng ở Mỹ.

 

Bruce Ralston - Bộ trưởng Lâm nghiệp tỉnh British Columbia (B.C) - đồng tình với quan điểm của bà Ng, bày tỏ vô cùng thất vọng với quyết định tăng thuế gỗ xẻ mềm không công bằng và không hợp lý của Bộ Thương mại Mỹ.

Vào tháng 2/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã ra tín hiệu rằng họ có kế hoạch tăng đáng kể thuế đối với gỗ xẻ mềm, dự kiến ở mức 13,86%. Mức thuế mới này thậm chí còn cao hơn mức dự kiến. Ngày 13/8, Liên minh gỗ xẻ Mỹ tuyên bố rằng quyết định về mức giá của Bộ Thương mại chứng minh rằng Canada tiếp tục trợ cấp và bán phá giá các sản phẩm gỗ xẻ mềm của nước này tại Mỹ.

Các hoạt động của Canada làm méo mó thị trường gỗ xẻ mềm của Mỹ, ảnh hưởng đến các xưởng cưa, nhân viên và cộng đồng tại Mỹ. Andrew Miller, Chủ tịch của liên minh cho rằng nhu cầu và giá gỗ xẻ đang ở mức thấp kỷ lục và các nhà máy trên khắp cả nước đang phải vật lộn để duy trì hoạt động. Tại Canada, các tỉnh sản xuất gỗ xẻ đặt ra cái gọi là phí khai thác gỗ đối với gỗ khai thác từ đất của Nhà nước, một hệ thống mà các nhà sản xuất Mỹ coi là trợ cấp không công bằng.

Đáp lại, Kurt Niquidet, Chủ tịch của Hội đồng thương mại gỗ xẻ B.C. cho biết, những khiếu nại của Liên minh gỗ xẻ Mỹ là không có căn cứ. Canada đang phải đối mặt với một số thách thức và động thái trên sẽ làm tăng thêm chi phí vận chuyển gỗ xẻ đến Mỹ, gây ảnh hưởng đến sản xuất, người lao động và cộng đồng phụ thuộc vào ngành lâm nghiệp.

Các nhà chức trách Canada tuyên bố sẽ phản đối quyết định của Mỹ bằng các hành động pháp lý theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định Canada-Mỹ-Mexico (CUSMA) tại Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ và Tổ chức Thương mại thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục