Mỹ dựa vào châu Phi để đa dạng hóa nguồn cung khoáng sản

10:45' - 15/03/2024
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 14/3, Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo cho biết Mỹ đang dựa vào châu Phi để đa dạng hóa nguồn cung ứng kim loại và khoáng sản trong sản xuất pin.

Hậu quả do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến chính phủ các nước phương Tây phải nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Theo ông Adeyemo, Mỹ không muốn phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ quốc gia hay công ty nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các khoáng sản quan trọng.

Mặc dù Chính phủ Mỹ đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm khuyến khích tăng cường sản xuất các khoáng sản chiến lược và quan trọng trong nước, song ông Adeyemo thừa nhận rằng các nguồn tài nguyên ở nước ngoài cũng rất quan trọng. Ông nêu rõ: “Châu Phi sẽ đóng một vai trò to lớn. Ở đó có rất nhiều khoáng sản quan trọng".

 

Tại châu Phi, Trung Quốc có nhiều dự án khai thác khoáng sản lớn, bao gồm các dự án khai thác đồng và cobalt ở CHDC Congo và Zambia, cũng như dự án khai thác lithium ở Zimbabwe, nơi các công ty khai thác khoáng sản được nước này hỗ trợ các khoản đầu tư lớn cùng với các cơ sở hạ tầng đi kèm.

Theo ông Adeyemo, Mỹ đang hợp tác với Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) để thu hẹp khoảng cách về những cơ sở hạ tầng đó. Washington hiện đang khuyến khích các ngành sản xuất của Mỹ thúc đẩy nhu cầu về những khoáng sản trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thị trường cho các công ty khai thác.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, Tổng thống CHDC Congo Félix Tshisekedi đã chứng kiến việc ký kết một bản sửa đổi Hợp đồng khai thác mỏ giữa quốc gia Trung Phi này và Trung Quốc có thời hạn 17 năm và trị giá 7 tỷ USD.

Vào tháng 4/2008, Tổng thống CHDC Congo khi đó là Joseph Kabila đã đàm phán một hợp đồng theo hình thức trao đổi các loại khoáng sản cobalt và đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng với một tập đoàn Trung Quốc, với số tiền 9 tỷ USD. 

Tuy nhiên sau đó, dưới áp lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hợp đồng đã được giới hạn ở mức 6 tỷ USD do lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ khiến nước chủ nhà mắc nợ quá mức nếu số lượng quặng không được khai thác đúng tiến độ. Từ đó đến nay, phía Trung Quốc đã giải ngân được khoảng 2,74 tỷ USD, chủ yếu dưới hình thức đầu tư.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng CHDC Congo Alexis Gisaro đảm bảo rằng với thỏa thuận mới này, số tiền tài trợ cho cơ sở hạ tầng sẽ tăng từ 3 lên 7 tỷ USD trong 17 năm tới. Các điều khoản mới có trong thỏa thuận sẽ cho phép phía CHDC Congo mỗi năm có số tiền tối thiểu 324 triệu USD dành cho cơ sở hạ tầng, chủ yếu là xây dựng các tuyến đường quốc lộ.

Là một quốc gia rộng lớn ở Trung Phi với diện tích 2,3 triệu km2, tuy nhiên CHDC Congo có rất ít đường trải nhựa. Quốc gia nhiều khoáng sản này hiện là nhà sản xuất cobalt hàng đầu thế giới và là nhà sản xuất đồng hàng đầu châu Phi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục