Mỹ không từ bỏ chính sách gia tăng sức ép với Triều Tiên

09:58' - 03/01/2018
BNEWS Mỹ sẽ tiếp tục gây "sức ép tối đa" đối với Triều Tiên nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố trên được Nhà Trắng đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán liên Triều có khả năng sẽ diễn ra trong tuần tới theo đề xuất của Hàn Quốc.

Phát biểu với báo giới ngày 2/1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên không thay đổi. Washington vẫn sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa đối với Bình Nhưỡng để đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Tên lửa đạn đạo Hwasong-12 được phóng thử từ một địa điểm bí mật. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Sanders khẳng định Mỹ chia sẻ các mục tiêu tương tự với Hàn Quốc, nhưng không thay đổi các chính sách và tiến trình của mình.

Đề cập đến việc Triều Tiên để ngỏ khả năng đàm phán như một tín hiệu tốt lành, bà Sanders nhấn mạnh Mỹ và Hàn Quốc đang và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong nỗ lực gia tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng nhằm đạt được mục tiêu chung là việc phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Quan chức này cũng cho biết Washington vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc ủng hộ các vận động viên Triều Tiên tham gia tranh tài tại Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang 2018.

Tại New York (Mỹ), Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tuyên bố Washington sẽ không chấp nhận một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi thế giới cảnh giác trước sự phát triển chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ không mặn mà đối với các cuộc đối thoại liên Triều nhiều khả năng diễn ra trong tuần tới.

Người phát ngôn bộ trên Heather Nauert cho rằng việc việc tổ chức đàm phán với Triều Tiên tùy thuộc vào Hàn Quốc, nhưng Washington vẫn hoài nghi về mức độ chân thành của Bình Nhưỡng trong những cuộc đàm phán như vậy.

Trong khi đó, trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cảnh báo đối với Bình Nhưỡng về tiềm lực hạt nhân của Mỹ, đồng thời để ngỏ khả năng về sự sẵn sàng của Washington trong một cuộc đối đầu hạt nhân.

Trước đó, hôm 1/1, trong thông điệp chào mừng Năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với Seoul về khả năng tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018, đồng thời cho rằng hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên công bố chính thức về việc sẵn sàng tham gia Olympic PyeongChang, dự kiến diễn ra từ ngày 9-25/2 tới.

Tuy nhiên, phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn lời một số quan chức của Hàn Quốc cho biết hiện phía Triều Tiên vẫn chưa có phản ứng gì với đề xuất mới nhất của phía Hàn Quốc về việc tổ chức đàm phán cấp cao ngay sau khi Bình Nhưỡng đưa ra đề nghị hòa giải hiếm hoi với Seoul.

Theo một nguồn tin thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc, một quan chức phụ trách liên lạc của nước này đã thử tiếp xúc với phía Triều Tiên thông qua một đường dây nóng tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới giữa hai nước, nhưng chưa nhận được hồi đáp nào.

Triều Tiên đã ngừng hai kênh liên lạc liên Triều, trong đó có cả đường dây nóng quân sự, vào tháng 2/2016 để phản đối việc Hàn Quốc cho đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong.

Về mặt kỹ thuật, các đường dây nóng này không bị cắt rời nhưng kênh đối thoại hiện không hoạt động do phía Triều Tiên lâu nay không hồi đáp các lần tiếp xúc hằng ngày của các quan chức Hàn Quốc qua điện thoại.

Nhà nghiên cứu cấp cao Cheong Seong-chang thuộc Viện Sejong của Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể không chấp nhận thời điểm đàm phán do phía Hàn Quốc đưa ra là ngày 9/1 do sinh nhật của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rơi vào ngày 8/1, đồng thời nhận định Bình Nhưỡng có thể đề nghị một thời điểm khác./.

>>>Chuyên gia Mỹ: Triều Tiên chưa có năng lực tấn công Mỹ bằng ICBM

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục