Mỹ kiện ngân hàng Barclays vì bán chứng khoán kém chất lượng

13:29' - 23/12/2016
BNEWS Barclays bị cáo buộc đã bán 31 tỷ USD chứng khoán nợ dưới chuẩn và cận chuẩn chất lượng thấp cho các nhà đầu tư trên khắp thế giới.
Mỹ kiện ngân hàng Barclays vì bán chứng khoán kém chất lượng. Ảnh: Reuters

Ngày 22/12, Bộ Tư pháp Mỹ kiện "người khổng lồ tài chính" Barclays của Anh lên tòa án liên bang với cáo buộc ngân hàng này đã hành xử thiếu trung thực trong việc bán các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp, góp phần khơi mào cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo các công tố viên liên bang, Barclays bị cáo buộc đã bán 31 tỷ USD chứng khoán nợ dưới chuẩn và cận chuẩn chất lượng thấp cho các nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Ngân hàng này đã "cố tình và một cách có hệ thống" cung cấp thông tin thiếu chính xác về chất lượng các chứng khoán nợ này, khiến cho hơn một nửa số nhà đầu tư mua chứng khoán của Barclays rơi vào cảnh vỡ nợ.

Tuyên bố của ông Robert Capers, công tố viên trưởng của Quận Đông New York, cho hay việc làm của Barclays đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nhà đầu tư, bao gồm các cá nhân và tổ chức "nòng cốt" của Mỹ.

Barclays là một trong số những ngân hàng lớn cho đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận với chính quyền Mỹ liên quan tới vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng 2008 gây hỗn loạn trên toàn giới đầu tư, bên cạnh những cái tên như Deutsche Bank, Royal Bank of Scotland và Credit Suisse.

Tuy nhiên, đáng chú ý là trong vụ kiện lần này, Bộ Tư pháp Mỹ không tìm kiếm một dàn xếp đồng thuận giữa 2 bên như phần lớn các trường hợp tranh cãi pháp lý với các thể chế tài chính lớn.

Trong tuyên bố chính thức, Barclays cho biết sẽ "quyết liệt bảo vệ" ngân hàng này trước các cáo buộc mà công ty này cho là "không dựa trên dữ liệu thực tế". Tuyên bố khẳng định Barclays bác bỏ mọi cáo buộc của phía Mỹ.

Đơn kiện của Chính phủ Mỹ đệ trình lên tòa án liên bang cũng tìm kiếm trách nhiệm từ 2 quan chức cao cấp của Barclays là cựu Giám đốc điều hành Paul Menefee - người phụ trách chương trình chứng khoán hóa tài sản thế chấp dưới chuẩn (vốn tiềm ẩn rủi ro cao) và ông John Carroll - giao dịch viên trưởng phụ trách mua về các khoản vay dưới chuẩn.

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ từng bị chỉ trích là "dễ dãi" khi không truy cứu trách nhiệm đối với các nhân vật cấp cao của các ngân hàng liên quan trong cuộc khủng hoảng tài chính./. 

>>> Barclays tiếp tục dàn xếp vụ bê bối thao túng lãi suất Libor

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục